Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xây dựng Đảng vững mạnh nhìn từ câu chuyện Bác Hồ tìm người tài đức

(VTC News) -

Kế thừa, phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ, Đảng ta luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên có cả đức và tài, trong đó đức phải là gốc.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp đón Xuân Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), một trong những yêu cầu được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước".

Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) khẳng định, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng.

"Mỗi giai đoạn lịch sử, yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên sẽ khác nhau, nhưng suy cho cùng, công tác cán bộ phải luôn luôn gắn với nhiệm vụ chính trị và để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị", ông Hà nói.

 Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: Báo Đảng Cộng sản)

 

Cùng tâm niệm ấy, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ.

Ông Phúc nhắc câu chuyện cách đây gần 8 thập kỷ, khi đang giữ cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã có một văn bản với tiêu đề "Tìm người tài đức", đăng trên báo Cứu quốc số 411, ra ngày 20/11/1946.

Văn bản nêu rõ: "Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận".

Nhận khuyết điểm, đồng thời Hồ Chủ tịch đề xuất sửa đổi bằng cách chiêu mộ người tài: "Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó".

"Chính sự trọng thị của Bác mà nhiều nhà nho, nhân sĩ tài năng đã hướng về cách mạng, cùng gánh vác trọng trách quốc gia. Có thể kể đến các vị Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám…", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho hay.

Theo ông Phúc, thực tế chứng minh, những người "xuất thân" giúp nước theo lời Bác Hồ kêu gọi, đã góp công xây dựng chính quyền, đưa đất nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, bảo vệ nền độc lập mà Cách mạng Tháng Tám giành được.

"Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu bài học lịch sử, những quan niệm truyền thống, từ đó huy động, tập hợp nhân tài, bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện họ trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng. Sáng suốt, chân thành, khoan dung, độ lượng, Bác giúp những cá nhân ngoài Đảng "bung nở" tài năng, tìm thấy ý nghĩa đời mình trong sự hiến dâng cho Tổ quốc", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định.

Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, khi nói về cán bộ, bao giờ Hồ Chủ tịch cũng coi trọng cả đức và tài, trong đó đức phải là gốc. Theo Người, cán bộ mà không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân.

"Đã hơn nửa thế kỷ, những lời căn dặn ấy ngày càng thấy thấm thía, nhất là trong xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay", ông Nguyễn Trọng Phúc nói.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, thứ nhất từ phải sang) trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Tư liệu)

Cũng nhắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng không phải là đề án hay văn bản cầu kỳ, quá trình lựa chọn, sử dụng cán bộ của Người vẫn rất chặt chẽ, sâu sát và đặt biệt rất trúng, rất đúng.

"Những lời dạy của Bác tuy ngắn nhưng vô cùng súc tích: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Vậy nên, theo Bác, phải biết rõ cán bộ, phải cất nhắc cán bộ cho đúng, phải khéo dùng cán bộ, phải giữ gìn cán bộ…", ông Hà nói.

Nhắc đến lời căn dặn của Người trong Di chúc: "Đảng phải luôn nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu", ông Hà phân tích "Bác Hồ nói là phải chăm bẵm, phải đào tạo, phải bồi dưỡng, phải quy hoạch, phải chăm lo. Như trồng một cái cây, phải vun xới, phải cắt lá, phải tỉa cành, phải bắt sâu…".

 

Ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác cán bộ là một trong những điểm nhấn rất quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: "Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ".

Thực chất, theo ông Hà, công tác cán bộ đã nằm trong "xây dựng, chỉnh đốn Đảng" nhưng Đại hội XIII vẫn rút từ khóa "cán bộ" đứng thành một chủ thể riêng.

"Điều này khẳng định công tác cán bộ cực kỳ quan trọng. Đại hội XIII xác định xây dựng Đảng là then chốt, công tác cán bộ là then chốt của then chốt", ông Hà nói.

Phân tích lý do Đại hội XIII đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng cho rằng, trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, chúng ta mất mát nhiều cán bộ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói nhiều lần, trong các mất mát thì mất mát về cán bộ là đau xót nhất, khắc phục sự mất mát này không phải một sớm một chiều, không phải ngày một ngày hai.

"Nếu có thiệt hại về kinh tế chúng ta có thể bảo ban nhau nhanh chóng làm ra để khắc phục lại cái mất mát, cái thiệt hại đó. Nhưng mất mát về cán bộ để lại hậu quả rất to lớn, rất phức tạp và lâu dài", ông Hà nói lý do Đại hội XIII đưa công tác cán bộ thành chủ đề riêng.

Nhận thức được vấn đề muốn xây dựng được một người cán bộ phải rất kì công, để xây dựng một đội ngũ cán bộ thì lại càng vất vả, càng khó khăn, theo ông Hà, từ đầu Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung cao độ cả về thời gian, cả về công sức, cả về trí tuệ để chăm lo cho công tác cán bộ.

 

Để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII, ông Hà thông tin, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hàng loạt các văn bản liên quan đến công tác cán bộ.

Cụ thể: Kết luận số 08 của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định số 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 50 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ.

Hay có thể kể đến Kết luận số 27 của Ban Bí thư về xử lý sai phạm trong công tác cán bộ theo Kết luận số 48 và Kết luận số 71; Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị xử lý kỷ luật…

Một điểm mấu chốt trong công tác cán bộ được nguyên cán bộ Ban Tổ chức Trung ương đề cập là việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cụ thể là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo ông Hà, 3 nhiệm kỳ liên tiếp trở lại đây, Đảng ta đặc biệt chú trọng vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Và một trong những nội dung quan trọng là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

"Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Chúng ta coi đó như một tấm gương để cán bộ, đảng viên tự soi, xem mình có vi phạm những biểu hiện đó không để tự sửa chữa, tự gột rửa, tự soi, tự sửa", ông Hà nói.

Đó là góc độ của cá nhân cán bộ, đảng viên, còn về phía tổ chức, ông Nguyễn Đức Hà cho hay, trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 69 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Và một trong những điểm mới được ông tâm đắc là phải xác định trách nhiệm của tập thể đối với cá nhân và trách nhiệm của cá nhân đối với tập thể.

"Một tổ chức đảng bị kỷ luật thì trách nhiệm của những đảng viên trong tổ chức đó thế nào, trách nhiệm đến đâu? Hay một chi bộ để cho 1 - 2 đảng viên vi phạm khuyết điểm phải xử lý kỷ luật thì trách nhiệm của chi bộ đến đâu", ông Hà đặt vấn đề.

Vị chuyên gia nhận định, có những quy định rõ ràng đối với cá nhân, tổ chức nhằm giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên để làm cho Đảng mạnh. Đảng mạnh là do có nhiều chi bộ tốt, mà chi bộ mạnh là do có nhiều đảng viên tốt.

Ông Hà cũng cho rằng, thời gian qua, công tác bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên được làm quyết liệt và có thể nói là rất bài bản, đem lại những kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc này phải tiếp tục làm quyết liệt hơn nữa.

"Ví Đảng giống như một cơ thể sống, đã là cơ thể sống thì hàng ngày sản sinh ra những tế bào mới nhưng cũng phải có một số tế bào bị thoái hóa biến chất và phải loại bỏ. Đây là quy luật phát triển của Đảng. Chúng ta phải thường xuyên và không ngừng rèn luyện", ông Hà góp ý.

 

Đánh giá quy trình trong công tác cán bộ được làm bài bản, thận trọng, nhiều bước, nhiều khâu, tuy nhiên ông Nguyễn Đức Hà thừa nhận, thực tế vẫn xảy ra tình trạng cán bộ vi phạm, bị xử lý ở các mức độ khác nhau, kể cả cán bộ cấp cao.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng nhấn mạnh, công tác cán bộ cực kỳ khó bởi đó là công tác đối với con người, mà con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. 

"Đánh giá con người là khó nhất. Để đánh giá đúng một con người phải thông qua hành động, hành vi của người đó chứ còn người ta nghĩ ở trong đầu làm sao mà đoán, làm sao mà đo được. Mỗi lần nói về vấn đề này Tổng Bí thư luôn nhắc nhở phải hết sức công tâm, khách quan vì lợi ích chung", ông Hà bộc bạch.

Phân tích kỹ hơn, ông Hà nêu thực tế, nhiều cán bộ cấp cao vi phạm ở những vụ việc cách đây 5 - 7 năm, thậm chí 10 năm. Rõ ràng đây là vấn đề liên quan đến công tác đánh giá cán bộ, quản lý cán bộ của tất cả các cấp và bắt đầu từ cấp cơ sở.

"Ngay cơ quan, đơn vị cấp cơ sở không phát hiện ra thì làm sao mà Trung ương phát hiện ra. Chúng ta cũng phải thừa nhận có trường hợp không phát hiện ra thật và có trường hợp phát hiện ra nhưng không dám nói, không dám phản ánh, cho nên lấy phiếu vẫn cứ 100%", ông Hà nhận định.

Trường hợp khác, có những cán bộ khi đã vào Trung ương Đảng, do môi trường, điều kiện công tác phát sinh những vấn đề mới mà không đấu tranh được với bản thân dẫn đến vi phạm.

Sai phạm này là do cán bộ không tiếp tục tự đào tạo, rèn luyện, tự soi, tự sửa mà bị thoái hóa, biến chất dẫn đến khi có quyền lực trong tay bị tha hóa bởi quyền lực, bởi cám dỗ vật chất.

Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về việc chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV không phải chỉ trách nhiệm của Trung ương, không phải chỉ trách nhiệm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, không phải chỉ là trách nhiệm của các cấp ủy mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, theo ông Hà, tất cả cán bộ, đảng viên, thậm chí Nhân dân phải có trách nhiệm.

Quan điểm của Đảng ta là dựa vào dân để xây dựng Đảng, dựa vào dân để xây dựng chính quyền, dựa vào dân để xây dựng đội ngũ cán bộ. Như vậy, ngay việc nhận xét, đánh giá cán bộ cũng phải dựa vào dân thì mới phản ánh được đầy đủ.

"Chẳng có gì là Nhân dân không biết. Dân biết, biết sâu sắc, thậm chí tường tận những vấn đề. Quan trọng là làm thế nào để người dân nói đúng lòng mình", ông Nguyễn Đức Hà đặt vấn đề.

Nguyên Vụ trưởng thuộc Ban Tổ chức Trung ương nhìn nhận, sẽ không có quy định, quy chế, quy trình nào là chìa khóa vạn năng. Vì vậy, cần phải kết hợp nhiều yếu tố từ giáo dục chính trị tư tưởng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; vừa bằng tổ chức, vừa bằng kinh tế, vừa bằng hành chính, thậm chí cả bằng pháp luật…

Ông Hà cho rằng phải sử dụng rất nhiều giải pháp đồng bộ với nhau thì mới có thể nhận xét, đánh giá, không chỉ đánh giá bằng hồ sơ mà phải kết hợp cả thực tiễn.

"Để làm tốt công tác cán bộ, chọn đúng người, bố trí đúng việc là tổng hợp của nhiều biện pháp, nhiều công việc. Phải tiến hành đồng bộ và phải liên thông, thống nhất với nhau", vị chuyên gia nói thêm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nhìn nhận, ngoài quy trình chặt chẽ, phải huy động được trí tuệ của toàn dân, của đội ngũ hơn 5,3 triệu đảng viên tham gia vào công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, ông Phúc kiến nghị phải xác minh, thẩm định và làm rõ vấn đề chính trị của cán bộ được lựa chọn. Không chỉ là vấn đề chính trị hiện nay mà phải của cả thời gian trước, có những bước sàng lọc cho phù hợp.

Một trong những yếu tố quan trọng để làm tốt công tác bảo vệ chính trị được Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đề cập là xác minh kê khai tài sản của cán bộ.

Ông cũng dẫn Quy định số 114 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Theo đó, không những kê khai tài sản của bản thân người đưa vào quy hoạch mà phải xác minh kê khai tài sản của những người thân để làm sao minh bạch hóa, công khai hóa mọi tiêu chuẩn, mọi quy định của Đảng về công tác cán bộ.

"Mục đích cuối cùng là phải chọn được những cán bộ đủ phẩm chất, đủ năng lực ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cán bộ ở cấp chiến lược, cán bộ tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới", ông Phúc nhấn mạnh.

 

Anh Văn (Thiết kế: Huy Mạnh)

Tin mới