Bộ Công Thương phát thông cáo điều chỉnh giá xăng dầu chính thức từ ngày 23/5/2018. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 500 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 600 đồng/lít, dầu Diesel 0.05S tăng 587 đồng/lít, dầu hỏa tăng 523 đồng/lít, dầu Mazut 180 CST 3.5S tăng 678 đồng/kg.
Đây là lần điều chỉnh thứ 5 liên tiếp của giá xăng dầu kể từ đầu năm nay, trong đó có 3 lần tăng giá, 2 lần giảm giá. Việc tăng giá xăng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải cũng như đời sống sinh hoạt của nhiều người dân.
Giá xăng tăng lần thứ 3 từ đầu năm khiến doanh nghiệp cùng người dân lo lắng.
Xăng tăng giá, người lao động 'khóc ròng'
Anh Mai Quốc Tuấn, chủ của một xe khách 16 chỗ tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, anh kinh doanh xe khách được gần 20 năm. Đến nay, chiếc xe đã cũ, sắp hết niên hạn sử dụng để đưa vào kinh doanh nên anh chủ yếu chỉ chở khách là người quen và lấy "giá hữu nghị". Tuy nhiên, việc giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian gần đây khiến anh rất đau đầu.
"Nếu vẫn giữ nguyên mức phí cũ thì tiền công chẳng đủ để đổ xăng. Mà nếu tăng giá thì khách quen của tôi bỏ đi hết", anh Tuấn tâm sự.
Cùng chung hoàn cảnh với anh Tuấn, cả gia đình anh Trần Phương, làm xe ôm tại quận Tây Hồ, Hà Nội cũng đang chán nản vì giá xăng liên tục tăng, ảnh hưởng lớn đến đời sống gia đình anh.
"Trước đây, tôi chỉ lấy 10.000 đồng/km. Khách của tôi ai cũng quen giá đó rồi. Nay xăng tăng giá mạnh, tôi lấy lên 12.000 hay 13.000 đồng/km thì khách lại chê. Những ngày gần đây trời nắng nóng, khách bắt xe ôm cũng giảm hơn nhiều rồi. Chưa kể, từ ngày có mấy cái dịch vụ gọi xe ôm trên điện thoại, dân xe ôm truyền thống như chúng tôi cũng chẳng còn khách. Bây giờ, xăng mà cứ tăng giá vùn vụt thế này thì chỉ đến mức bỏ nghề", anh Phương chia sẻ.
Chưa kể, mới đây ngày 11/5, Bộ Tài chính còn đều xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu kịch trần, thêm 4.000 đồng/lít và thu ngân sách thêm 14.300 tỷ đồng mỗi năm. Điều này có nghĩa là mỗi người dân phải gánh thêm chi phí rất lớn đối với mặt hàng xăng dầu.
Theo khảo sát, xăng là một trong những mặt hàng phải gánh nhiều loại thuế phí nhất ở Việt Nam. Một lít xăng A95 có giá 21.510 đồng nhưng phải gánh gần nửa thuế phí. Nếu thuế bảo vệ môi trường tăng thêm 1.000 đồng/lít, thuế VAT cũng phải tăng ít nhất 100 đồng/lít, người tiêu dùng sẽ phải chi thêm ít nhất 1.100 đồng/lít xăng. Tính trung bình mỗi tháng, người tiêu dùng sẽ mất thêm vài chục nghìn tiền xăng dầu so với trước đây.
Xăng dầu tăng giá kéo theo nhiều sản phẩm hàng hóa khác cũng tăng giá theo, bởi xăng là mặt hàng thiết yếu, đóng góp chính vào hoạt động vận chuyển người và hàng hóa mỗi ngày. Nhiều người dân cho biết, họ chỉ mong sao giá xăng đừng tăng nữa để còn yên ổn làm ăn.
Doanh nghiệp vận tải ''đau đầu'' giữ mức giá
Giá xăng, dầu tăng mạnh dấy lên nỗi lo ngại về việc các doanh nghiệp vận tải sẽ đồng loạt kiến nghị tăng giá cước để bù đắp chi phí.
Trao đổi với PV VTC News, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, giá xăng tăng ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh vận tải.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội.
Theo ông Hùng, giá cước taxi đã có sẵn mốc của nó. Từ đầu năm đến giờ, giá xăng có sự điều chỉnh biên độ 5 lần, có 2 lần giảm và 3 lần tăng. Điều này khiến các doanh nghiệp taxi đang phải rất cố gắng, nỗ lực để giữ được giá cước taxi bình ổn trong thời gian gần đây.
"Nếu so sánh giữa lần điều chỉnh giá xăng gần nhất là ngày 23/5 khi xăng tăng lên 19.140đồng/lít với thời điểm điều chỉnh giá taxi gần đây nhất là này 28/2/2016 khi giá xăng giảm từ 14.710 đồng xuống còn 13.750 đồng/lít thì tỷ lệ chênh lệch đã lên tới 45%. Đây là một điều rất thách thức và khó khăn đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải", ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cũng cho biết, ngày 24/5, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng tổ chức cuộc họp kêu gọi toàn thể doanh nghiệp tính toán làm sao cho phù hợp và giữ được sự bình ổn giá cước. Trong cuộc họp, ông Hùng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất đó là phải giữ được sự bình ổn giá, không đẩy giá lên cao và đảm bảo được lợi ích cho người lao động cũng như duy trì được hoạt động của các doanh nghiệp vận tải.
Bên cạnh đó, trong thời điểm hiện nay, khi mà sự cạnh tranh về các phương tiện giao thông và loại hình vận tải đang được đẩy lên mạnh mẽ thì việc điều chỉnh giá cước cũng phải được các doanh nghiệp tính toán kỹ càng. Việc điều chỉnh giá cước liên tục có thể khiến doanh nghiệp mất uy tín, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của mình.
Video: Tăng kịch khung thuế môi trường vì xăng dầu ở Việt Nam rẻ hơn 120 quốc gia khác