Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời với báo chí về các giải pháp để nhằm đảm bảo ổn định giá xăng dầu trong bối cảnh hàng loạt cây xăng báo thiếu hàng, bán cầm chừng hoặc hết hàng khiến người dân bức xúc.
Theo ông Hồ Đức Phớc, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo nghị định của Chính phủ giao thì cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu là Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương có trách nhiệm trong công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Quochoi)
Trong khi đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế phí đối với xăng dầu.
Về thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 3.000 đồng/lít, về mức sàn tối thiểu.
"Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%, trình Chính phủ trình Quốc hội trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao thì tiếp tục giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% thuế giá trị gia tăng", ông Phớc nói.
Về chi phí định mức đối với kinh doanh xăng dầu, hiện nay quy định đối với 1 lít xăng chẳng hạn như A95 là 975 đồng, sau khi có đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp và đã thống nhất tăng lên 350 đồng. Một lít xăng A95 hiện nay thì chi phí định mức là 1.320 đồng.
Như vậy, Bộ Tài chính luôn ủng hộ làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ cho người dân và đảm bảo giá xăng dầu hạ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống cho người dân.
"Chúng tôi đã tham mưu rất kịp thời, chính xác đối với các chính sách để phản ứng trước vấn đề tăng giá xăng dầu", lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin.
Vẫn theo ông Phớc hiện nay, vấn đề làm thế nào để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, làm thế nào để quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng. Nước ta hiện nay có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối; hay như đối với doanh nghiệp phân phối chúng ta cũng có đến 500 doanh nghiệp.
Vậy làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất?
"Đây là một vấn đề đặt ra và chúng tôi cũng đã trao đổi, phối hợp với Bộ Công Thương để Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý", ông Phớc nhấn mạnh.
Đã có đầu mối không nhập khẩu xăng
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy quý III/2022 (đến 20/9/2022), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu diesel so với quý II.
Đáng chú ý, trong số 33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, chỉ có 19 đầu mối ghi nhận có hoạt động nhập khẩu, 14 đầu mối còn lại không ghi nhận hoạt động nhập khẩu xăng dầu.
Trong số này, có 3 thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn nhưng không thực hiện nhập khẩu vào quý III là Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương ngày 7/10 (do ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá ký), Bộ Tài chính đánh giá đây có thể là nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiết khấu giảm có thể do sản lượng nhập khẩu giảm và lượng tồn kho giảm tại các thương nhân đầu mối, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến khó lường.
"Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương cần nghiên cứu rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí", văn bản của Bộ Tài chính nêu.