Không có khách, cước phí giữ nguyên trong khi giá xăng dầu tăng cao kỷ lục khiến hàng loạt doanh nghiệp vận tải hành khách đứng bên vực phá sản.
Lỗ sấp mặt vẫn phải chạy
“Một chuyến xe quay đầu chi phí tầm 20 triệu đồng mà chỉ chở vỏn vẹn 4 hành khách vào và dự tính cũng chỉ ngần ấy khách ra thì lỗ sấp mặt nhưng vẫn phải chạy chứ biết làm sao”, chủ Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ thương mại Phi Hiệp (Công ty Phi Hiệp) mở đầu câu chuyện về tình cảnh “khó chưa từng thấy” của doanh nghiệp vận tải hành khách ở thời điểm này.
Theo chủ Công ty Phi Hiệp, dù đang sở hữu hơn 10 đầu xe khách giường nằm chất lượng cao chạy tuyến Đà Nẵng-Cần Thơ, Đà Nẵng-TP.HCM nhưng ông phải cho hầu hết nằm bến, chỉ duy trì 2 xe chạy mỗi ngày.
“Xăng dầu lên cao quá mà khách không có nên phải cắt bớt đầu xe hoạt động chứ không thể chạy hàng loạt xe không được. Trước và sau Tết Nguyên đán 2022, khi được phép hoạt động trở lại, tôi cho chạy 5 xe nhưng 1 tháng nay thì chỉ duy trì 2 xe mà cũng không có đủ khách, không có thu nhập, cố cầm cự, được đến đâu hay đến đó”, ông than thở.
Bến xe Trung tâm Đà Nẵng vắng khách trong khi giá xăng dầu tăng kỷ lục khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách lao đao.
Theo ông, mỗi xe chạy một chuyến vào Bến xe Miền Đông thì cầm chắc phần lỗ vài triệu đồng vì không có khách, hàng hóa ít. Nếu trước đây, thời chưa dịch COVID-19 khách đông, hàng hóa ổn thì số tiền này thu đủ bù qua tiền xăng dầu chứ bây giờ quá khó.
“Như hôm nay đây, còn 10 phút nữa xuất bến mà chỉ có 4 hành khách nhưng xe vẫn phải chạy. Tôi kinh doanh vận tải đã 15 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy khó khăn như bây giờ và cũng không biết cứ kéo lê kéo lết thế này đến khi nào nữa”, chủ Công ty Phi Hiệp lo lắng.
Rồi ông phân tích: “Tôi tính con tính cụ thể thế này để hiểu nỗi khổ của doanh nghiệp vận tải hành khách đến mức nào. Trước đây, một chuyến quay đầu (vào và ra), mỗi xe chi phí hết 9 triệu đồng tiền dầu nhưng bây giờ khoản này đội lên là 13 triệu đồng.
Giá xăng dầu tăng chóng mặt như hiện nay thì chạy cũng chết mà không chạy cũng chết. Không chạy thì chết ngay lập tức, còn chạy thì chết từ từ.
Tiếp theo là chi phí tiền cầu đường hết 2,5 triệu đồng, tiền lệnh xuất bến 2 đầu là 1 triệu, tiền công tài xế và phụ xe 3,5 triệu đồng nữa.
Như vậy, mỗi đầu xe chạy đủ 1 chuyến quay đầu thì phải thu về 20 triệu đồng mới đủ chi phí cứng. Như chuyến vào này chỉ 4 khách, một ít hàng hóa và dự tính quay ra cũng chỉ ngần ấy khách thì nhẩm tính qua cũng đã lỗ sấp mặt rồi”.
Cũng theo chủ Công ty Phi Hiệp, ngoài các khoản chi phí cho hành trình nói trên, doanh nghiệp còn phải lo chi phí bến bãi, lương nhân viên làm việc tại các phòng vé và nặng hơn nữa là tiền lãi ngân hàng. Hàng loạt chi phí cho mỗi lần xuất bến nhưng nguồn thu của doanh nghiệp vận tải hành khách thì chỉ có 2 là số hành khách (tiền bán vé) và hàng hóa. Dịch bệnh nên không có khách là khách quan. Giá xăng dầu tăng cao cũng là điều kiện khách quan. Hàng hóa thì bây giờ cũng ít, được chăng hay chớ.
“Như doanh nghiệp tôi, hiện số nợ ngân hàng không quá nhiều nhưng nếu không chạy, không có nguồn trả thì người ta cẩu xe ngay chứ không đùa được. Nói chung là với giá xăng dầu tăng chóng mặt như hiện nay thì chạy cũng chết mà không chạy cũng chết. Không chạy thì chết ngay lập tức, còn chạy thì chết từ từ. Vậy thì phải cố duy trì để xem có sống được đến khi giá xăng dầu quay đầu giảm trở lại hay không”, chủ Công ty Phi Hiệp chia sẻ.
Xe Phi Hiệp xuất bến Đà Nẵng chiều 9/3 đi TP.HCM chỉ có 4 hành khách.
Câu chuyện của chủ Công ty Phi Hiệp cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp vận tải hành khách trước tác động của giá xăng dầu tăng hiện nay. Đơn cử như nhà xe S.T chạy tuyến Đà Nẵng-Bình Định dù có gần 30 đầu xe nhưng bây giờ chỉ duy trì 4-5 xe hoạt động mỗi ngày. Hay như nhà xe H.P, hiện chỉ dám chạy 2 trên tổng số hàng chục xe chạy tuyến Đà Nẵng-Lâm Đồng, Đà Nẵng-TP.HCM để duy trì nguồn khách quen.
Dịch COVID-19 kéo dài 3 năm nay khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách lao đao vì vắng khách, thời gian xe nằm bến nhiều hơn chạy thì nay giá xăng dầu tăng chóng mặt khiến họ kiệt quệ, đối diện nguy cơ phá sản.
Taxi nguy cơ hóa sắt vụn
Không chỉ các doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến, các hãng taxi tại Đà Nẵng cũng đang chìm trong khó khăn vì tác động của giá xăng dầu tăng.
Ông Phạm Thế Vỹ, Giám đốc Hãng Taxi Đà Nẵng ví von các hãng taxi như võ sỹ bị hạ knock out, đang gắng gượng đứng dậy thì bị giáng thêm một đòn chí mạng nữa.
“2 năm cho xe nằm bãi vì dịch COVID-19, vừa hoạt động trở chưa được bao lâu thì chúng tôi lại đối diện với khó khăn mà từ trước đến nay chưa từng gặp khi giá xăng dầu liên tục tăng kỷ lục. Xăng dầu tăng, tác động đầu tiên là đến thu nhập của lái xe. Xe chạy nhưng không có thu nhập vì chi phí xăng dầu ăn hết. Doanh nghiệp cũng không có khoản tích lũy để khấu hao xe sau giai đoạn dài chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch COVID-19, không có khả năng để tái đầu tư”, ông Vỹ cho biết.
Nếu không hoạt động, tài xế, nhân viên bỏ việc, khối tài sản ấy cũng chỉ là sắt vụn.
Giám đốc Hãng Taxi Đà Nẵng
Theo Giám đốc Hãng Taxi Đà Nẵng, thực tế bây giờ công ty chỉ có khoảng 30% số xe hoạt động. Với 30% đầu xe hoạt động hiện tại thì nguồn thu không đủ để duy trì các hoạt động thường xuyên của công ty chứ chưa nói đến tích lũy, tái đầu tư.
Ông Vỹ than thở: “Mình chạy chừng ấy xe cũng chỉ để duy trì chứ nếu dừng hẳn thì sẽ phá sản vì mất toàn bộ tài xế, nhân viên. Đến khi ổn định, mình muốn chạy thì tìm đâu ra nhân lực để hoạt động. Vậy nên nhìn vào số đầu xe thì thấy đó là khối tài sản khổng lồ nhưng thực tế đó là tiền chết của doanh nghiệp. Nếu không hoạt động, tài xế, nhân viên bỏ việc, khối tài sản ấy cũng chỉ là sắt vụn. Vậy thì chỉ còn cách khả dĩ nhất là cố duy trì ở mức độ nào đó để chờ ngày mai tươi sáng hơn”.
Ông Vỹ phân tích thêm, khó chồng khó đối với hãng Taxi Đà Nẵng hiện nay là vắng khách, giá cước không đổi nhưng giá xăng dầu lại quá cao. Tài xế ôm xe cả ngày chỉ chạy được vài ba chuyến, cước phí thu về cũng chỉ đủ tiền xăng nên không có thu nhập hoặc có thì cũng quá thấp, không đủ sống.
Theo lẽ thường, giá nhiên liệu tăng thì khoản để bù vào đó là tăng giá cước. Tuy nhiên, hãng không thể thực hiện điều này vì nó phải có lộ trình, đề xuất của hiệp hội và được sự đồng ý của các sở, ban ngành. Hơn nữa, hiện tại lượng khách còn thấp do đang là mùa thấp điểm du lịch, nếu tăng giá cước thì đối diện nguy cơ mất khách.
“Sau dịch, chủ yếu là mình phải cố gắng giữ giá để tăng lượng khách hàng. Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng thì mức cước phí cũng phải tính toán tăng chứ doanh nghiệp không thể nào trụ được”, ông Vỹ cho biết.
Hàng loạt xe taxi nằm bãi mặc cho rác bụi phủ đầy.
Cũng theo ông Vỹ, để đưa một xe taxi vào chạy lại sau nhiều tháng nằm bãi đã khiến doanh nghiệp chịu rất nhiều chi phí sửa chữa, trang bị các điều kiện phòng chống dịch COVID-19. Đưa càng nhiều xe vào hoạt động thì càng tốn kém chi phí trong khi lượng khách không có để bù vào. Trong khi đó, kể cả xe không lăn bánh vẫn phải chịu nhiều chi phí như phí đường bộ, phí bảo dưỡng, phí bến bãi…
Theo đại diện Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng, hiện các doanh nghiệp taxi đều phải hỗ trợ, trích thêm phần trăm lợi nhuận cho lái xe vì giá xăng dầu quá cao. Qua nhiều đợt dịch, đến nay, hoạt động của các hãng taxi đã giảm 60-70% cả về doanh thu lẫn nhân lực, rất nhiều tài xế đã chuyển đổi ngành nghề sang lĩnh vực khác. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng kỷ lục như hiện nay và sắp tới thì khó có hãng taxi nào trụ được.