Chiều 22/2, liên quan đến việc ông Trương Văn Chóng (ấp Định Hòa B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), người được cho là liệt sĩ đã hy sinh tại chiến trường Campuchia 33 năm trước đột ngột trở về vào đêm Mùng 5 Tết, ông Trần Thanh Lam, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ cho biết, Giám đốc Sở đã chỉ đạo đơn vị xác minh, làm rõ về trường hợp này.
Trả lời PV, ông Lam thông tin, trong ngày hôm nay, Sở sẽ có văn bản gửi Phòng LĐTB&XH của huyện để tìm hiểu và xác minh cụ thể đối với trường hợp người được cho là liệt sĩ Trương Văn Chóng trở về vào đêm Mùng 5 Tết Mậu Tuất có đúng hay không. Sau đó, Phòng sẽ có báo cáo cụ thể để Ban giám đốc đưa ra phương hướng giải quyết.
Trong trường hợp nếu phát sinh vấn đề vướng mắc, Sở sẽ báo cáo UBND TP để UBND chỉ đạo phương hướng giải quyết sao cho hợp lý.
“Về quy định, trước mắt Sở sẽ có văn bản cho địa phương, để địa phương đi khảo sát, xác minh thông tin trước, sau đó mới báo cáo về UB quận huyện. Từ đó, quận huyện sẽ báo cáo về cho chúng tôi.
Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nói được điều gì bởi hiện nay có rất nhiều nguồn tin, nhưng cái Sở cần là nguồn tin chính xác mới có phương hướng để xử lý. Ngay sau có thông tin mới chúng tôi sẽ thông tin cho báo chí sau”, ông Lam nói.
Như báo chí thông tin, vào đêm mùng 5 tết Mậu Tuất, ông Chóng trở về nhà trong sự sửng sốt của người thân.
Theo lời người thân trong gia đình, ông Chóng là con trai thứ 6 của bà Huỳnh Nía (87 tuổi, ngụ địa chỉ trên). Vào năm 1983, ông tham gia kháng chiến tại chiến trường Campuchia. Đến năm 1985, gia đình hay tin ông hy sinh và đến năm 1993 thì được công nhận là liệt sĩ.
Gia đình hoàn toàn bất ngờ lẫn mừng vui vì đã qua 33 lần đám giỗ thì ông bất ngờ trở về. Bà Nía, mẹ ông Chóng xúc động nói: “Khi hay tin thằng Sáu tử trận, tui không tin, nên hai lần sang tận Campuchia để tìm nó. Tui cũng không biết con mình ở đâu, chỉ biết lần theo địa chỉ trên mấy lá thư viết tay thằng Sáu gửi về từ chiến trường.
Khi đó, chiến tranh còn dữ lắm, nhiều lần pháo kích ngập trời phải trở về. Thằng Sáu (con thứ sáu của bà Nía- PV) đâu biết chữ, nó ngồi đọc rồi nhờ đồng đội viết giùm gửi về. Đã 33 cái đám giỗ, không ngờ hôm nay nó trở về lành lặn, thiệt không gì hạnh phúc bằng”.
Cũng theo lời ông Chóng, tại chiến trường Campuchia ngày ấy, trong một trận chiến, ông bị thương nặng, rồi hôn mê. May mắn, một người phụ nữ địa phương đã cứu sống ông. Tuy nhiên, khi tỉnh lại, ông không còn nhớ gì về quê hương và gốc gác của mình. Sau đó, ông sống luôn tại Campuchia cùng với người phụ nữ đã cứu mình.
Một thời gian sau, ông Chóng lấy người vợ thứ hai và trở về huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh sinh sống.
Thời gian trôi qua, ký ức về nguồn gốc của mình dần hiện nên mơ hồ, nên đến chiều mùng 5 Tết, ông Chóng quyết định tìm đường về nhà. Lần theo chỉ dẫn của nhiều người, ông đã tìm về được nhà của bà Nía trong sự vui mừng khôn xiết.