Sau TP Hà Nội, mới đây TP Đà Nẵng, Tổng cục Thuế áp dụng hình thức bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tính trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Việc bốc thăm để xác minh tài sản thực hiện theo Nghị định 130 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cụ thể, Nghị định 130 quy định việc phê duyệt và thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của tỉnh, thành phố. Người cần xác minh được lựa chọn ngẫu nhiên và công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị
Tránh để sót cán bộ lãnh đạo phải xác minh tài sản
Theo ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, kê khai tài sản là một trong những biện pháp có ý nghĩa phòng ngừa tham nhũng, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Theo đó, người có nghĩa vụ phải kê khai rõ ràng, trung thực, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm hàng năm của mình. Cơ quan có thẩm quyền về kiểm soát tài sản sẽ kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai, cũng như xử lý hành vi kê khai, giải trình không trung thực.
Tuy nhiên, theo ông Lê Việt Trường, tất cả cán bộ, công chức có nghĩa vụ thì phải kê khai tài sản và cần được kiểm soát thường xuyên chứ không phải trông chờ vào “lá thăm may rủi”. Hơn nữa, việc bốc thăm vô hình trung sẽ tạo ra sự bất bình đẳng ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức. Có khi cán bộ chủ chốt không phải xác minh tài sản, trong khi một cán bộ, công chức dưới quyền mới được tuyển dụng lại vào diện phải xác minh.
“Tất cả những đối tượng thuộc diện kê khai phải được xác minh, được tiến hành công khai, minh bạch. Khi cơ quan chuyên môn thấy có dấu hiệu bất thường thì yêu cầu giải trình và kết luận rõ ràng”, ông Lê Việt Trường nói.
Ông Lê Việt Trường. (Ảnh: Quochoi.vn).
Dẫn chứng thực tế những năm qua việc kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản vẫn bị xem là hình thức khi không có hoặc rất ít trường hợp bất thường, không trung thực phải xác minh lại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đặt câu hỏi, vì sao kê khai tài sản chẳng có gì nhưng khi tham nhũng bị phát hiện thì tiền đâu, ngoại tệ đâu mà nhiều thế? Vì sao lương của cán bộ còn khiêm tốn nhưng tài sản của những người ăn theo là vợ, chồng, con lại có đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, chưa kể đất đai, nhà cửa, các loại bất động sản, tài sản khác.
“Bây giờ nếu xem tất cả bản kê khai tài chính của các cán bộ đều thấy rất khiêm tốn, nhưng sao họ lại ở nhà to như vậy? Các bản kê khai tài sản từ trước đến nay còn làm hình thức, cán bộ kê khai thế nào thì biết như thế, vì chúng ta không quản lý được nguồn thu của mỗi người trên tài khoản cá nhân của họ ra – vào như thế nào, chi tiêu bằng tiền mặt vẫn rất lớn”.
Ông Lê Việt Trường nêu quan điểm, đồng thời dẫn chứng, bản kê khai tài sản của cán bộ không có gì bất thường nhưng con cái, thậm chí là cháu của họ còn ít tuổi nhưng đã được đứng tên tài sản giá trị. Điều đó cho thấy có việc kê khai không trung thực, có việc tẩu tán tài sản, cũng như xuê xoa, dễ dãi, bao che cho nhau để có một hồ sơ đẹp. Do đó, nếu không kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thì những bản kê khai kia vẫn chỉ là…. hình thức.
Kê khai tài sản đang có sơ hở
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng, việc sử dụng phần mềm máy tính lựa chọn ngẫu nhiên cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập có thể giúp làm hạn chế sự can thiệp của con người, đảm bảo tính khách quan. Vấn đề đặt ra là trên cơ sở số hóa sẽ áp dụng phần mềm máy tính nào để đảm bảo tính minh bạch, công khai, rõ ràng. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng cần được đánh giá một cách cẩn trọng, tránh tình trạng số lượng cán bộ, công chức ở vị trí lãnh đạo quá ít. Trong khi người có chức vụ, quyền hạn mới có “điều kiện” để tham nhũng.
Cũng theo đại biểu đoàn Lâm Đồng, việc lấy danh sách cán bộ để bốc thăm ngẫu nhiên phải chặt chẽ, rõ ràng, công khai, minh bạch. Kết quả xác minh phải công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ, công chức thường xuyên làm việc để mọi người cùng biết. Đồng thời tăng nặng chế tài xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực để góp thêm hiệu quả cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
PGS.TS Nguyễn Thị Báo
Nhấn mạnh kiểm soát tài sản thu nhập là hạt nhân phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, song theo PGS.TS Nguyễn Thị Báo (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), hiện nay đang có sơ hở về kê khai tài sản, thu nhập.
Theo quy định, người có nghĩa vụ chỉ kê khai tài sản của vợ/chồng, con chưa thành niên, vì vậy trên thực tế không ít người lách luật bằng cách chuyển dịch tài sản tham nhũng sang người thân, con cái thành niên, chuyển sang nước ngoài, thậm chí chuyển sang tài sản của đối tượng không bị kê khai. Do vậy, việc thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua gặp không ít khó khăn, hiệu quả thấp.
“Rõ ràng, ở khâu này đang có lỗ hổng để quan tham lách luật”, bà Nguyễn Thị Báo nêu vấn đề, đồng thời đề xuất cùng với việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, cần xây dựng cơ chế để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ có chức quyền và người thân của họ, kể cả cha mẹ, họ hàng để tránh việc tẩu tán tài sản.