Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

WHO khuyến cáo nên cấm lưu hành thuốc lá điện tử

(VTC News) -

Ngoài các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào), ở Việt Nam đang xuất hiện các loại thuốc lá mới cực kỳ gây hại cho sức khoẻ.

Nhân Tuần lễ phòng chống tác hại của thuốc lá, WHO khuyến cáo các quốc gia tốt nhất là cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá kiểu mới, còn nếu cho phép cần quản lý chặt để hạn chế những ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. 

Theo Bộ Y tế, sau nhiều năm phòng chống tác hại thuốc lá, tỉ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam có giảm từ trên 53% nam giới trưởng thành xuống còn trên 45%, ở nữ giới giảm từ 2% xuống còn 1,1%. 

Tuy nhiên điều đáng lo ngại là tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng, đặc biệt trong giới trẻ, ở nhóm học sinh sinh viên, thanh niên...

Một số thuốc lá điện tử (ENDs) hay còn gọi là vape có hình dáng giống với thuốc lá truyền thống, xì gà hoặc ống điếu, một số khác trông giống như cây bút, USB hoặc có thiết kế hoàn toàn khác nhau. Thuốc lá điện tử có loại dùng một lần và loại có thể “sạc” lại. Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch – loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp. Dung dịch này thường chứa nicotin, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật.

Tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng, đặc biệt trong giới trẻ, ở nhóm học sinh sinh viên, thanh niên..

Độ nặng của thuốc lá điện tử dựa trên lượng nicotin trong dung dịch, được biểu thị bằng miligam trên mililit hoặc tính theo phần trăm. Tuy nhiên, các nghiên cứu cảnh báo rằng các nhãn mác không phải lúc nào cũng cung cấp thông tin chính xác về hàm lượng nicotin. Một số loại vỏ thuốc dùng một lần chứa dạng nicotin cô đặc, gọi là muối nicotin. Một vỏ thuốc chứa 5% muối nicotin có thể có 30 đến 50 miligram nicotin, tương đương lượng nicotin trong một đến ba gói thuốc lá thông thường.

Thuốc lá nung nóng (HTPs): Hiện nay, một số tập đoàn thuốc lá trên thế giới đang giới thiệu loại sản phẩm thuốc lá mới, được giới thiệu với đặc tính là chỉ làm nóng ở nhiệt độ khoảng 3000C để sinh ra các hạt khói/ làn khói cho người hút thuốc hít vào thông qua một thiết bị điện tử bao gồm bộ phận gia nhiệt làm nóng, điếu thuốc (hay đầu cắm) được sử dụng cùng nhau.

Với thuốc lá điện tử, thuốc lá kiểu mới, các chiến dịch quảng cáo hiện đang hướng đến thanh niên, như giới thiệu nhiều thiết kế "sành điệu", sử dụng tiện lợi, hương vị mới làm cho giới trẻ coi nhẹ những rủi ro với sức khỏe.

Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, có 13 triệu người Việt hút thuốc lá và bị ảnh hưởng bởi khói thuốc, có khoảng 20 triệu người nữa bị ảnh hưởng bởi hút thuốc lá thụ động. 

Nếu như trước kia, người sử dụng thuốc lá truyền thống còn e dè, tránh cho người thân không bị ảnh hưởng bởi tình trạng khói thuốc thụ động thì ngày nay, do tin vào lời quảng cáo rằng thuốc lá thế hệ mới không nguy hại, họ vô tư hút trong phòng kín, mà không lo ảnh hưởng đến người xung quanh.

Theo thống kê ngày 18/2/2020 của CDC Hoa Kỳ đã ghi nhận 2.807 ca tổn thương phổi có liên quan quan đến thuốc lá thế hệ mới. Trong đó 68 trường hợp đã tử vong. Tuy nhiên, thuốc lá thế hệ mới vẫn được nhiều người vô tư sử dụng mà không biết hoặc cố tình bỏ qua những nguy hại của sản phẩm này với sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

Theo tổ chức GOLD (chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) , thuốc lá điện tử là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính). Những người hút thuốc lá điện tử thì có đến 98% có triệu chứng hô hấp. Tính đến tháng 9-2019, tại Việt Nam, 850 trường hợp hút thuốc lá điện tử bị bệnh lý hô hấp, và 13 trường hợp tử vong.

WHO dự đoán, vào năm 2020, COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau đột quỵ và bệnh tim thiếu máu cục bộ. Bệnh này gây ra hơn 25.000 ca tử vong mỗi năm, nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông. Con số này vẫn đang gia tăng.

Theo đó hội đồng khoa học của GOLD cũng quyết định không khuyến cáo dùng thuốc lá điện tử trong việc cai thuốc lá.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, hiện nay chi phí điều trị trực tiếp COPD nếu nhẹ trên 400.000 đồng/ngày, nhưng nếu nặng sẽ là 60 - 90 triệu đồng/15 ngày. Ngoài ra, chi phí gián tiếp như ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, có thể khiến ít nhất hai người nghỉ việc khi chăm bệnh,.. quan trọng hơn cả chi phí điều trị trực tiếp.

LAN HƯƠNG

Tin mới