"Miễn là có một trường hợp mắc bệnh Ebola duy nhất ở một khu vực không an toàn và không ổn định như phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo thì nguy cơ một dịch bệnh lớn hơn nhiều vẫn còn", người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên ở Geneva.
Tuy nhiên, WHO đang hạ thấp cảnh báo nguy cơ mắc dịch bệnh này ở phạm vi quốc gia và khu vực từ mức rất cao xuống cao, trong khi mức cảnh báo trên phạm vi toàn cầu vẫn giữ nguy cơ ở mức thấp.
Ông Tedros cũng bày tỏ hy vọng rằng tình trạng khẩn cấp có thể được dỡ bỏ trong vòng 3 tháng tới dựa trên ý kiến đánh giá của Ủy ban khẩn cấp của các chuyên gia quốc tế của WHO. Tedros cho biết chỉ có 3 trường hợp nhiễm Ebola được báo cáo trong tuần qua.
WHO gia hạn tình trạng khẩn cấp dịch Ebola tại Congo (Ảnh: Reuters)
Tổ chức Y tế Thế giới vào tháng 7 năm ngoái tuyên bố dịch Ebola là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng". Việc tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng" đối với dịch Ebola vào năm ngoái diễn ra vài ngày sau khi một bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm virus Ebola ở thủ phủ tỉnh Goma - trường hợp đầu tiên tại một trung tâm đô thị lớn. Một tháng trước đó, WHO đã báo cáo lần đầu tiên dịch Ebola lây lan sang Uganda.
Virus Ebola lây truyền qua tiếp xúc với máu, dịch cơ thể, dịch tiết hoặc nội tạng của người bị nhiễm bệnh. Tỷ lệ chết do nhiễm virus Ebola thường cao, lên tới 90%, theo WHO.
Những nỗ lực để ngăn chặn sự bùng phát dịch Ebola hiện bị cản trở bởi các cuộc tấn công vào nhân viên y tế và xung đột ở phía đông Congo. WHO cho biết vào tháng 11/2019, họ đã chuyển 49 nhân viên ra khỏi khu vực Beni ở phía đông Congo vì không an toàn.
Dịch Ebola bùng phát gần đây được xác định vào tháng 8/2018 và kể từ đó đã giết chết hơn 2.300 người ở miền đông Congo - khu vực có nhiều nhóm dân quân đang hoạt động.