Reuters dẫn nguồn tin cho biết, dự thảo nghị quyết của WHO sẽ được trình bày để bộ trưởng y tế các nước thông qua tại cuộc họp đặc biệt kéo dài 3 ngày của WHO khai mạc vào hôm 29/11.
Dự thảo thỏa thuận này bao gồm các vấn đề như chia sẻ dữ liệu và trình tự bộ gen của các loại virus mới nổi cũng như các loại vaccine và thuốc được nghiên cứu. Thỏa thuận toàn cầu nhằm tăng cường phòng ngừa và ứng phó với đại dịch dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 5/2024.
WHO đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. (Ảnh: Reuters)
Bước đột phá ngoại giao diễn ra trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về biến thể Omicron, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi trong tháng này, đã lan rộng hơn trên khắp thế giới.
"Quyết định thành lập một cơ quan đàm phán về một thỏa thuận đại dịch trong tương lai chỉ là bước khởi đầu nhưng điều đó cho thấy sự linh hoạt và đây sẽ là động lực tốt cho những nỗ lực quan trọng tới đây", Simon Manley, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc cho biết.
Anh, cùng với EU và khoảng 70 quốc gia khác, đã thúc đẩy một hiệp ước ràng buộc pháp lý.
Reuters dẫn lời một nhà ngoại cho hay: "Đó là một kết quả tốt... Đã có rất nhiều thiện chí để đạt được tiếng nói chung”.
Dự thảo nghị quyết đã được đăng trên website của WHO.
Hơn 260,77 triệu người nhiễm bệnh và 5,45 triệu người đã tử vong kể từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Trung Quốc vào tháng 12/2019. WHO cho biết, Trung Quốc vẫn chưa chia sẻ dữ liệu ban đầu có thể hữu ích xác định nguồn gốc virus.