Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

WHO chỉ 3 nguyên nhân giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả dịch COVID-19

(VTC News) -

Đại diện WHO chỉ rõ các nhân tố chính khiến việc ứng phó dịch COVID-19 tại Việt Nam đạt hiệu quả, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam kiểm soát dịch bệnh.

5 ngày qua, Việt Nam không thêm ca nhiễm mới và 13 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều quốc gia đánh giá rất cao công tác phòng ngừa dịch bệnh của Việt Nam.

Xung quanh vấn đề này, chia sẻ với VTC News, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, ông Kidong Park cho rằng, có 3 nhân tố chính khiến việc ứng phó dịch COVID-19 tại Việt Nam đạt hiệu quả tốt. Đó là đầu tư vào giai đoạn “thời bình", kích hoạt sớm hệ thống ứng phó và cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo các cấp.

Tổng Giám đốc WHO cảm ơn Việt Nam trên Twitter. (Ảnh chụp màn hình)

- Những điểm mấu chốt nào làm nên bước đầu thành công của Việt Nam trong hạn chế lây nhiễm bệnh dịch, thưa ông?

Việt Nam chống dịch COVID-19 rất hiệu quả, với số lượng bệnh nhân xác định mắc COVID-19 thấp. WHO nhận định việc ứng phó dịch COVID-19 hiệu quả của Việt Nam là do ba nhân tố sau: Đầu tư trong giai đoạn “thời bình”, kích hoạt sớm hệ thống ứng phó và cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo quyết liệt ở cấp cao nhất từ Chính phủ.

Đầu tiên, theo điều lệ Y tế Quốc tế IHR (2005), yêu cầu các quốc gia phải tăng cường năng lực cốt lõi nhằm phát hiện, đánh giá, báo cáo và kiểm soát các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp có thể xảy ra.

Trong nhiều năm, WHO hỗ trợ Việt Nam xây dựng và tăng cường những năng lực cốt lõi này. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể và kết quả đầu tư trong giai đoạn “thời bình”,  thể hiện rõ ràng qua công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ hai, Việt Nam chủ động và kịp thời ứng phó dịch từ rất sớm. Việt Nam tiến hành đánh giá nguy cơ lần đầu vào đầu tháng 1 – ngay sau khi Trung Quốc báo cáo một chùm ca bệnh viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân.

Việt Nam chính thức thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 do Phó Thủ tướng làm trưởng Ban. Và sau đó ngay lập tức thông qua kế hoạch ứng phó quốc gia và các hướng dẫn kỹ thuật áp dụng từ trung ương tới địa phương.

Kế hoạch ứng phó và các hướng dẫn kỹ thuật được sửa đổi và bổ sung liên tục dựa trên những bằng chứng khoa học cập nhật nhất để phù hợp với sự thay đổi của tình hình dịch.

Ngoài ra, các nguyên tắc ứng phó với dịch được thực hiện nghiêm túc và kiên định: phát hiện sớm (xét nghiệm) - điều trị - điều tra, lập danh sách tiếp xúc – cách ly.

Cuối cùng là cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự chỉ đạo quyết liệt ở cấp cao nhất của Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn và kịp thời và các bộ, ban ngành và người dân Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc.

- WHO sẽ có những sự hỗ trợ như thế nào để giúp Việt Nam phòng, chống COVID-19?

Ngay khi Trung Quốc tuyên bố các ca bệnh COVID-19 đầu tiên, WHO đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường công tác chuẩn bị và ứng phó dịch.

Trong đó bao gồm việc lập kế hoạch kiểm tra sàng lọc và kế hoạch dự phòng tại cửa khẩu, tăng cường giám sát và xét nghiệm và các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp, điều tra chi tiết và lập danh sách tiếp xúc với người nghi ngờ mắc COVID-19, và truyền thông nguy cơ đến người dân.

kidongpark copy.jpg

Đầu tư trong giai đoạn “thời bình”, kích hoạt sớm hệ thống ứng phó và cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo quyết liệt ở cấp cao nhất từ Chính phủ là 3 nhân tố giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả COVID-19.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Kidong Park

Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đối phó với dịch COVID-19. WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam một số vật tư/sinh phẩm dùng cho xét nghiệm phát hiện vi rút COVID-19 và đồ bảo hộ cá nhân cho nhân viên y tế.

WHO đã và đang hỗ trợ các khóa đào tạo cần thiết trong đó có việc giới thiệu công cụ thu thập dữ liệu thực địa để điều tra dịch.

Cụ thể bao gồm điều tra, lập danh sách tiếp xúc trong các tình huống y tế công cộng khẩn cấp như bùng phát dịch; đào tạo xây dựng năng lực của các cơ sở y tế được chỉ định trong hệ thống mở rộng về xét nghiệm phát hiện COVID-19; các khóa đào tạo trực tuyến về những lĩnh vực kỹ thuật khác nhau bao gồm kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý ca bệnh.

WHO đang tiếp tục hỗ trợ truyền thông về nguy cơ và huy động sự tham gia của cộng đồng, đồng thời tập trung truyền thông phòng ngừa lây truyền virus gây bệnh COVID-19 cho người dân.

WHO cũng nỗ lực tiếp cận cộng đồng dân cư nhiều nhất có thể, thông qua việc tăng cường quan hệ đối tác.

Chúng tôi cũng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực trong giai đoạn “thời bình”.

- Ông có thể đưa ra nhận định về diễn biến dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam trong tương lai?

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam thành công trong công tác kiểm soát, để làm phẳng đường cong biểu đồ dịch bệnh và không có người chết do dịch bệnh.

Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vẫn còn vì trên thế giới dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra. Vì vậy cần phải cảnh giác.

Chúng tôi không thể nói trước nhưng có thể khẳng định sự chuyển biến của việc lây lan COVID-19 trong cộng đồng sẽ phụ thuộc vào hành động hiện nay của các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Video: Các nước gửi lời cảm ơn Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19

- Những khuyến nghị của WHO để ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn tới là gì, thưa ông?

Việt Nam đang ứng phó dịch COVID-19 rất tốt. Tuy nhiên, chúng tôi muốn lưu ý rằng, cuộc chiến này có thể còn kéo dài hơn nữa.

Ở thời điểm này, đặc biệt với mức độ hiện nay của dịch, Việt Nam cần chuẩn bị ứng phó ngay với những tác động của dịch COVID-19 lên hệ thống y tế.

Thứ nhất, cơ sở y tế và nhân viên y tế có thể bị quá tải do khối lượng công việc liên quan đến dịch COVID-19 tăng, nếu số lượng các ca mắc bệnh tăng trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, Việt Nam sẽ cần duy trì các dịch vụ y tế thường xuyên như tiêm chủng cho trẻ em hoặc chăm sóc bà mẹ, hoặc khám sàng lọc và điều trị các bệnh khác.

Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh sự cần thiết của công tác lập kế hoạch cho kịch bản tiếp theo khi chúng ta phải xử lý những hậu quả của dịch COVID-19. Trong đó bao gồm tác động về kinh tế xã hội và cần phải có những quyết sách cân bằng cho phép chúng ta quay trở lại như bình thường hoặc có giai đoạn chuyển đổi sang giai đoạn “bình thường mới”.

- Xin cảm ơn ông!

Phương Anh

Tin mới