Trong khi đó, Sputnik cho biết, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez thông báo Mỹ đã cho phép các công ty dầu mỏ của nước này và châu Âu tiếp tục hoạt động tại Venezuela.
"Chính phủ Venezuela xác minh và xác nhận thông tin về việc Washington đã ủy quyền cho các công ty dầu khí của Mỹ và châu Âu đàm phán và nối lại hoạt động tại Venezuela", Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez viết trên Twitter.
Quang cảnh một nhà máy khai thác dầu thô ở Venezuela.
Theo các quan chức Mỹ, nếu tiến bộ đạt được, có thể có cơ hội cho sự can dự của Mỹ với chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Cũng có thông tin cho rằng chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập sẽ sớm nối lại đối thoại chính trị. Tùy thuộc vào kết quả đối thoại này, Washington có thể điều chỉnh chính sách trừng phạt để tăng hoặc giảm sức ép đối với Venezuela.
Trước đó, có thông tin cho rằng Mỹ đã quyết định nối lại đàm phán với Venezuela trong bối cảnh các nhà cung cấp năng lượng của Nga bị áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc.
Hồi tháng 3, cả hai bên đã thảo luận về khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt dầu mỏ đối với Caracas nhưng không đạt được tiến triển đáng kể.
Tại thời điểm đó, Ngoại trưởng Venezuela Felix Plasencia cho biết, Caracas sẵn sàng khôi phục thương mại dầu mỏ với Mỹ nếu Washington công nhận tính hợp pháp của Tổng thống Nicolas Maduro.
Một số quan chức cấp cao của Mỹ cũng đã tới Venezuela trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Khi Mỹ cấm dầu từ Nga, Washington cũng có thể tìm đến Venezuela như một nhà cung cấp dầu thô thay thế.
Washington đã áp đặt biện pháp hạn chế đầu tiên đối với Venezuela vào năm 2015, với lý do “vi phạm nhân quyền”. Các biện pháp trừng phạt đã được gia hạn sau cuộc bầu cử tổng thống diễn ra tại Venezuela vào năm 2019.
Mỹ cùng với một số nước phương Tây khác, không công nhận kết quả bầu cử tại quốc gia Nam Mỹ này với việc ông Nicolás Maduro tái đắc cử vị trí tổng thống, trong khi ông Juan Guaido giữ vị trí người đứng đầu quốc hội - do phe đối lập kiểm soát.