Theo nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi giáo sư Shuya Wei từ Viện Di sản Văn hóa và lịch sử khoa học công nghệ, thuộc Đại học Khoa học và công nghệ Bắc Kinh (Trung Quốc), cac tài liệu trước đó cho thấy vào thời Xuân Thu (năm 770-476 trước Công Nguyên), trà đã được trồng để làm vật tế và làm rau ở Trung Quốc.
Chén trà chứa đựng loại trà lâu đời nhất thế giới vừa được khai quật ở Trung Quốc. (Ảnh: Scientific Reports)
Tuy nhiên đây là lần đầu tiên người ta tìm thấy bằng chứng về việc trà được chế biến để trở thành thức uống y như thời hiện đại vào những năm Trước Công Nguyên.
Chiếc chén cổ đựng bã trà được khai quật từ ngôi mộ cổ mang số 1 ở Tây Dương, nơi có di tích thành phố cố đô của nhà Chu, thuộc tỉnh Sơn Đông.
Giáo sư Wei và các đồng tác giả đã phân tích mẫu vật từ ngôi mộ cổ 2.400 tuổi này bằng phương pháp quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR) và một số phương pháp khác, sau đó đối chiếu với bã trà hiện đại.
Mẫu bã trà cổ đại. (Ảnh: Scientific Reports)
Kết quả cho thấy phổ FTIR của thứ được cho là bã trà cổ này y hệt FTIR của bã trà hiện đại.
Dẫn lời các tác giả, tờ Sci-News cho biết từ lâu các nhà khoa học Trung Quốc đã cho rằng đây là quốc gia đầu tiên chế biến và uống trà theo cách thức hiện đại, nhưng chỉ mới được ghi chép mờ nhạt trong các tư liệu cổ, truyền thuyết, chứ chưa có bằng chứng vật lý cụ thể nào cho đến khi một mẫu trà cổ đại được phát hiện tại Lăng Hán Dương, niên đại 2.150 tuổi.
Mẫu vật tại Lăng Hán Dương đã được Sách Kỷ lục Guiness thế giới công nhận là loại trà lâu đời nhất nhân loại vào năm 2016, nhưng mẫu trà tại ngôi mộ cổ ở Tây Dương xưa hơn tới vài thế kỷ.
"Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng văn hóa uống trà có thể bắt đầu sớm nhất là vào thời Chiến Quốc" - các tác giả kết luận trong bài công bố trên tạp chí Scientific Reports.