Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, sau khi hoàn thành quá trình chế tạo, tích hợp và thử nghiệm chức năng, từ 9/3 đến 9/4 vệ tinh được gửi sang Trung tâm thử nghiệm Vệ tinh nhỏ, Học viện Công nghệ Kyushu (KIT), Nhật Bản để thử nghiệm môi trường trước phóng.
Các thử nghiệm bao gồm: Thử nghiệm vệ tinh làm việc trong môi trường nhiệt, chân không trong vũ trụ; kiểm tra độ chính xác kích thước chế tạo vệ tinh với hệ thống phóng; kiểm tra độ cứng, vững chắc của vệ tinh; kiểm thử vệ tinh trong môi trường rung động và sốc.
Vệ tinh NanoDragon trong buồng thử nghiệm Nhiệt chân không. (Ảnh: VNSC)
Toàn bộ quá trình thử nghiệm hoàn thành vào ngày 7/4, kết thúc thử nghiệm vệ tinh NanoDragon đạt mọi chỉ tiêu theo yêu cầu của nhà phóng và yêu cầu thiết kế, vệ tinh hoạt động hoàn toàn bình thường sau thử nghiệm. Hiện vệ tinh được chuyển về Việt Nam chờ ngày phóng lên quỹ đạo, dự kiến vệ tinh sẽ được phóng trong năm tài khoá 2021 của Nhật Bản (đến tháng 3/2022).
Vệ tinh NanoDragon (NDG) là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng khoảng 4 kg với kích thước 3U, được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát triển.
NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System – AIS) phục vụ cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Vệ tinh này cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính trên khoang tiên tiến mới của MEISEI được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ siêu nhỏ. Vệ tinh NDG dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km.
Trước NanoDragon, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg), phóng lên quỹ đạo và thu được tín hiệu vào năm 2013. Vệ tinh MicroDragon (50kg) được chế tạo bởi nhóm 36 cán bộ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản, được phóng thành công lên quỹ đạo vào tháng 1/2019 và gửi được ảnh về trạm mặt đất tại Nhật Bản.