Theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA), kim ngạch xuất khẩu ô tô nước này năm 2023 đã tăng 62% lên mức kỷ lục 3,83 triệu xe. Trong khi đó, dữ liệu hải quan Nhật Bản cho thấy xuất khẩu xe chở khách đạt 3,5 triệu chiếc trong 11 tháng đầu năm, không bao gồm xe đã qua sử dụng.
Cũng theo báo cáo của CPCA, tổng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc ước tính đạt 5,26 triệu chiếc trong cả năm ngoái, với tổng trị giá khoảng 102 tỷ USD, trong khi xuất khẩu cả năm của Nhật Bản được dự báo đạt khoảng 4,3 triệu chiếc.
Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh chóng khi vượt qua Nhật Bản về lượng ô tô xuất khẩu. (Ảnh: Brandcom)
Những số liệu trên cho thấy Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới - sẽ lần đầu tiên trở thành nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu vào năm 2023. Thành tích này phần lớn đến từ tiềm lực và sự nhạy bén của các nhà sản xuất ô tô điện trong nước.
Hãng xe điện BYD của Trung Quốc đã vượt qua Tesla để trở thành công ty bán xe điện hàng đầu thế giới trong quý 4, mặc dù chủ yếu dựa vào doanh số bán hàng trong nước.
Tuy nhiên, sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở nước ngoài đã khiến nhiều chính phủ quan ngại về sự phát triển của ngành sản xuất ô tô nội địa.
Vào tháng 9, Ủy ban châu Âu (EC) đã tiến hành một cuộc điều tra đối với xe điện Trung Quốc liên quan đến các khoản trợ cấp chính phủ. Chính phủ Trung Quốc đã cáo buộc cuộc điều tra của EC là "mang tính bảo hộ".
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là cũng đang thảo luận phương án tăng thuế đối với một số hàng hóa Trung Quốc, bao gồm cả xe điện.
Tesla cũng đã góp phần trong sự bùng nổ xuất khẩu xe điện của Trung Quốc, với việc xuất khẩu 344.078 xe điện do nước này sản xuất.
Thị trường ngày càng khốc liệt
Thị trường ô tô nội địa Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong năm 2023, với doanh số bán xe tăng 5,3% lên 21.93 triệu chiếc. Đây cũng là năm tăng trưởng thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh cuộc chiến về giá tại Trung Quốc ngày càng khốc liệt, khi các nhà sản xuất ô tô nỗ lực thu hút người tiêu dùng trước sự chững lại của đà phục hồi kinh tế.
Doanh số bán xe thuần điện ở Trung Quốc đã tăng 20,8% vào năm ngoái, sau khi tăng 74,2% vào năm 2022. Trong khi đó, doanh số bán xe hybrid (xe sử dụng kết hợp động cơ đốt trong và môtơ điện) tăng 82,5%, giảm từ con số kỉ lục 160,5% vào một năm trước.
Xiaomi cũng chính thức chen chân vào thị trường xe điện với mẫu SU7 ra mắt vào cuối tháng 12/2023. (Ảnh: CarNewsChina)
Nhà phân tích Paul Gong của UBS nhận định, thị phần thương hiệu nội địa trong tổng doanh số ô tô tại Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ 56% năm ngoái lên 63% vào năm 2024, chủ yếu do nhận diện thương hiệu xe điện trong nước ngày càng mạnh mẽ và quá trình điện khí hóa nhanh chóng của ngành công nghiệp.
BYD, công ty có 7,98% cổ phần thuộc sở hữu của Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett, đã mở rộng mạnh mẽ tại Đông Nam Á và Châu Âu, mặc dù phần lớn xe giao hàng của họ vẫn ở Trung Quốc, nơi hãng thúc đẩy doanh số bằng các chương trình ưu đãi lớn cho các đại lý.
Tuy nhiên, Tesla hoạt động hiệu quả hơn tại Trung Quốc, bán được nhiều xe hơn trên mỗi cửa hàng so với BYD.
Theo dữ liệt 11 tháng đầu năm 2023, các thương hiệu xe Pháp bị mất thị phần nhiều nhất tại Trung Quốc năm nay với doanh số giảm 41%. Doanh số xe Nhật giảm 10,7%, trong khi xe Mỹ giảm 1,4%. Ngược lại, doanh số xe Đức tăng 2,5% và xe Trung Quốc tăng 15,7%.
Thị trường xe điện tại Trung Quốc thậm chí sẽ còn khắc nghiệt hơn, khi nhà sản xuất điện thoại thông minh nổi tiếng của Trung Quốc, Xiaomi đã cho ra mắt chiếc xe điện đầu tiên của mình vào tháng trước và tuyên bố đang hướng tới mục tiêu trở thành một trong năm nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.