Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số xe du lịch trong tháng 6/2021 đạt khoảng 15.800 chiếc, giảm hơn 10% so với tháng 5. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp VAMA ghi nhận kết quả kinh doanh giảm, tính từ thời điểm đạt đỉnh của thị trường vào tháng 3 với hơn 21.000 xe du lịch được bán ra.
Có thể thấy, ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến thị trường ôtô trong nước có dấu hiệu chững lại và suy giảm trong 3 tháng đã qua của quý II. Dù vậy, so với cùng kỳ năm trước thì nhiều nhà sản xuất vẫn đang có tình hình kinh doanh khả quan.
Toàn thị trường tăng trưởng nhờ giảm giá
Tính tổng cộng cả số liệu bán hàng của VAMA, TC Motor và VinFast, tổng lượng ôtô con tiêu thụ trong nửa đầu năm 2021 đạt gần 154.000 xe. Con số này cao hơn kết quả khoảng 106.000 xe ở thời điểm tháng 6/2020 gần 1,5 lần.
Bên cạnh việc có thêm VinFast công bố chi tiết doanh số (khoảng 16.000 xe), các chính sách kích cầu chủ động từ những hãng xe được xem là nguyên nhân chính giúp tổng thể thị trường 6 tháng qua tăng trưởng.
Những “ông lớn” như Toyota, Hyundai và Thaco đã và đang có hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm giá để thu hút khách hàng trong bối cảnh nhu cầu mua xe giảm dần.
Lấy ví dụ, Toyota Vios trong tháng 6 đã giảm giá cho Vios - mẫu xe chủ lực của hãng vừa ra mắt hồi tháng 2. Đi kèm với đó là một loạt chương trình ưu đãi cho Wigo, Innova, Corolla Altis, Fortuner… Trong khi đó, Hyundai tập trung kích cầu cho 2 model có doanh số ảm đạm là Kona và Elantra với mức giảm giá vài chục triệu đồng.
Cả 3 thương hiệu của Thaco gồm Mazda, Kia cùng Peugeot đều có những đợt ưu đãi “sâu và rộng” để tăng cường doanh số trong quý II. Từ Cerato, CX-5 đến mẫu 3008 vừa mới ra mắt cũng được giảm giá để tăng sức cạnh tranh trước các đối thủ. Ngoài ra, hãng xe sang được Thaco phân phối là BMW cũng thanh lý các model đời cũ bằng các mức giảm trị giá hàng trăm triệu đồng.
Đối với VinFast, hãng xe Việt Nam tiếp tục mạnh tay giảm giá cho cả 3 dòng xe của mình để duy trì đà tăng trưởng, mức khuyến mại từ vài chục triệu đồng cho Fadil đến hơn 100 triệu đồng cho Lux A2.0 và SA2.0. Trong tháng 6, VinFast là hãng xe hiếm hoi có doanh số tăng so với tháng 5, đạt tổng cộng 3.517 xe, tăng 23%.
Những hãng xe khác cũng không đứng ngoài cuộc đua giảm giá. Đơn cử có thể kể đến nhóm SUV có loạt khuyến mại trăm triệu như Honda CR-V, Mitsubishi Pajero Sport, Ford Everest, Subaru Forester…
Ở thời điểm này năm trước, thị trường ôtô Việt Nam nhận được cú hích lớn từ chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước. Tuy vậy, sắp tới các nhà sản xuất sẽ phải tự xoay xở và người dùng hứa hẹn sẽ chứng kiến thêm hàng loạt đợt hạ giá “sập sàn” khi quý III là giai đoạn thấp điểm trùng với tháng Ngâu.
Căng thẳng cuộc chiến thị phần
Cách đây nửa năm, cục diện thị trường ôtô tại Việt Nam đã có thứ tự mới với sự đổi ngôi của Hyundai và Toyota, cùng với đó là sự vươn lên của các thương hiệu vốn trước đây ít tiếng tăm như Kia, Mitsubishi hay VinFast.
Đến nay, cuộc cạnh tranh về thị phần vẫn đang diễn ra quyết liệt khi những hãng xe so kè từng chút một về doanh số.
Sau nhiều tháng liền đóng vai trò bám đuổi Hyundai, Toyota đã có cú nước rút trong tháng 6 để tạm thời chốt sổ quý II ở vị trí đầu bảng. Hãng xe Nhật Bản tích lũy gần 29.200 xe du lịch, trong khi con số tương ứng của Hyundai là khoảng 28.900 xe. Thị phần lần lượt của 2 nhà sản xuất này hiện là 18,9% và 18,8%.
Có thể thấy, việc Vios 2021 được giảm giá là “liều thuốc” hiệu quả để Toyota tăng tốc doanh số và cạnh tranh với đối thủ. Mẫu sedan hạng B cùng Corolla Cross đang cùng nhau gánh vác vị trí đầu tàu cho hãng xe Nhật Bản trong cuộc đua với Hyundai.
Về phía Hyundai, Accent có bước chững lại trong tháng 6 phần nào khiến doanh số chung của hãng xe Hàn Quốc bị ảnh hưởng. Bù lại, Santa Fe 2021 tiếp tục thể hiện được sức hút khi bán hơn 1.300 xe ở tháng thứ 2 có mặt trên thị trường. Grand i10 và Kona cũng phần nào cải thiện được tình hình doanh so với những tháng trước, góp phần giúp Hyundai không bị Toyota vượt mặt quá xa.
Ở vị trí thứ 3, Kia đang có khoảng thời gian tươi đẹp với doanh số tổng hơn 21.500 xe, vượt xa thương hiệu cùng thuộc “nhà Thaco” là Mazda (13.300 xe). So với cùng kỳ năm trước, Kia tăng trưởng gầm gấp đôi và hiện nắm giữ đến 14% thị phần. Đóng góp chính vào thành tích này bên cạnh Cerato là 2 mẫu SUV mới của Kia, Seltos và Sorento. Bộ 3 này chiếm đến 70% doanh số xe Kia trong 6 tháng đã qua.
Minh chứng rõ ràng nhất cho việc giảm giá sẽ bán chạy là Fadil nói riêng và VinFast nói chung. Mẫu hatchback hạng A đang là dòng xe bán chạy nhất với doanh số 10.127 chiếc, vượt qua cả Toyota Vios và Hyundai Accent. Cùng với đó, VinFast đã âm thầm leo lên vị trí thứ 4 về thị phần, chiếm 10,3%, vượt qua nhiều hãng xe “lão làng” dù chỉ mới tham gia thị trường 2-3 năm.
Mitsubishi từ khi có được át chủ bài Xpander đã xây chắc được vị trí trong top 5 hãng xe bán tốt nhất, xếp trên Mazda, Honda và Ford. Tuy nhiên, việc bị VinFast vượt mặt có lẽ là điều mà Mitsubishi ít ngờ đến nhất.
Những thứ hạng ở nhóm cuối bảng được giữ nguyên, lần lượt là Suzuki, Peugeot và Isuzu. Trong đó, Suzuki cùng Peugeot đều có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tăng gấp đôi đến 2,5 lần nhờ các sản phẩm mới hấp dẫn như XL7 hay 2008. Với riêng Isuzu, hãng xe Nhật Bản gần như bỏ mặt mảng xe du lịch khi D-max và mu-X tụt dốc không phanh, 2 model nay chỉ bán được hơn 150 xe sau 6 tháng.