Hôm 21/2, truyền hình quốc gia Nga phát cảnh Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận sự độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR).
“Tôi cho rằng cần phải đưa ra quyết định mà lẽ ra phải được đưa ra từ lâu để công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk”, ông Putin nói. Giờ đây, các nhà lập pháp Nga sẽ được yêu cầu xem xét tuyên bố về tình hữu nghị và sự ủng hộ với hai khu vực này.
Hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, nằm ở vành đai phía Đông Ukraine, được nhóm ly khai lập ra từ năm 2014. Hai vùng ly khai đều thuộc Donbass, trước chiến tranh là trung tâm công nghiệp với các nghề khai thác mỏ và sản xuất thép, cũng như là nơi có trữ lượng than lớn.
Dù nhóm ly khai tuyên bố tất cả khu vực thành phố Donetsk và Lugansk phía Đông Ukraine là lãnh thổ của họ, nhưng họ chỉ kiểm soát khoảng một phần ba diện tích (theo một số ước tính là khoảng 16.834 km vuông, phần giáp Nga). Hiện vẫn chưa rõ liệu Nga có công nhận các khu vực kiểm soát thực tế của hai nước cộng hòa tự xưng này hay không.
Bản đồ thể hiện khu vực ly khai Ukraine. (Nguồn: Will Chase/TNZT)
Lịch sử mâu thuẫn
Cuối năm 2013, đầu năm 2014, sau khi Tổng thống Ukraine khi đó là Viktor Yanukovych, quyết định không ký kết một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu, các cuộc biểu tình lớn của những người phản đối nổ ra. Hoạt động biểu tình trở nên ngày càng mất kiểm soát và gây nhiều thương vong. Ông Yanukovych bỏ sang Nga và bị Quốc hội Ukraine bỏ phiếu phế truất.
Sau khi ông Yanukovych ra đi, người dân ở Crimea tổ chức trưng cầu dân ý tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Xung đột giữa chính quyền mới ở Kiev với miền Đông chủ yếu nói tiếng Nga leo thang thành các cuộc giao tranh.
Lực lượng ly khai ở Donetsk và Lugansk tổ chức trưng cầu dân ý để tuyên bố độc lập khỏi Ukraine. Kiev và phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ quân nổi dậy bằng quân đội và vũ khí, nhưng Nga phủ nhận. Các cuộc đụng độ giữa phe ly khai và lực lượng do Kiev hậu thuẫn vẫn tiếp tục từ năm 2014, khiến khoảng 14.000 người chết. Bạo lực, chia rẽ và suy thoái kinh tế đã gây thiệt hại nặng nề. Hơn 2 triệu người đã bỏ đi.
Năm 2015, Nga và Ukraine đã nhất trí về thỏa thuận hòa bình Minsk, một kế hoạch do Pháp và Đức làm trung gian nhằm chấm dứt xung đột giữa Kiev và phe ly khai. Theo thỏa thuận, Ukraine sẽ trao cho hai khu vực một địa vị đặc biệt và quyền tự chủ đáng kể để đổi lấy việc giành lại quyền kiểm soát biên giới với Nga.
Nhưng thỏa thuận đi vào bế tắc. Ông Putin cáo buộc Ukraine không có ý định thực hiện các điều khoản. Ukraine tìm cách sửa đổi thỏa thuận khi cho rằng các điều khoản của Nga sẽ mang lại cho Moskva quyền lực để tác động đến chính sách đối ngoại của Ukraine và làm suy yếu chủ quyền của nước này.
Thỏa thuận Minsk II được kí kết năm 2015.
Thỏa thuận Minsk
Các thỏa thuận Minsk được kí kết vào năm 2014 và 2015.
Với thỏa thuận Minsk I (2014), Ukraine và phe ly khai đồng ý ngừng bắn với 12 điều khoản, bao gồm trao đổi tù nhân, cung cấp viện trợ nhân đạo và rút vũ khí hạng nặng. Thỏa thuận nhanh chóng đổ vỡ, với sự vi phạm của cả hai bên, theo Reuters.
Đại diện của Nga, Ukraine, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và lãnh đạo hai khu vực ly khai sau đó đã ký thỏa thuận Minsk II 13 điểm vào tháng 2/2015. Tuy nhiên một số bước quân sự và chính trị đề ra theo thỏa thuận này vẫn chưa được thực hiện. Nga cho rằng họ không phải là một bên trong cuộc xung đột nên không bị ràng buộc bởi các điều khoản.
Ví dụ, điểm 10 kêu gọi rút tất cả các lực lượng vũ trang và thiết bị quân sự của nước ngoài khỏi hai khu vực Donetsk và Lugansk: Ukraine nói điều này ám chỉ các lực lượng từ Nga, nhưng Moskva phủ nhận việc có bất kỳ lực lượng nào ở khu vực xung đột.
Các điều khoản khác đề cập đến việc tăng cường đối thoại và thừa nhận địa vị đặc biệt của Donetsk và Lugansk, cũng như khôi phục toàn quyền kiểm soát biên giới của chính phủ Ukraine. Thỏa thuận cũng đề ra một đường ranh giới tạm thời (Line of Contact) ngăn cách các khu vực do lực lượng chính phủ và phi chính phủ kiểm soát.
Vì sao Donetsk và Lugansk không sáp nhập làm một?
Trong hoàn cảnh cùng đối phó với lực lượng chính phủ, đã có những thảo luận về việc hợp nhất hai cộng hòa nhân dân tự xưng DNR và LNR thành Novorossiya (nước Nga mới), song điều này không thành hiện thực.
Cụ thể, cả Donetsk và Lugansk đều từng công bố ý định hợp nhất thành Novorossiya vào tháng 5/2014. Tuy nhiên, đến tháng 5/2015, lãnh đạo “quốc hội chung” Oleg Tsarev thông báo rằng kế hoạch này bị tạm hoãn. Lý do được Tsarev đưa ra là Novorossiya không phù hợp với thỏa thuận Minsk II.
Người dân Donbass đổ ra đường ăn mừng sau khi Nga tuyên bố công nhận hai nhà nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk. (Ảnh: Sputnik)
Thỏa thuận kêu gọi các cuộc bầu cử địa phương được tổ chức ở từng khu vực do phe ly khai kiểm soát ở Donetsk và Lugansk theo luật pháp Ukraine để quyết định về "chính quyền địa phương tự trị" - đây chính là điều khiến nhà nước tự xưng Novorossiya khó có thể được hình thành.
Bên cạnh đó một số lãnh đạo DNR cũng cho biết rằng Novorossiya không nhận được sự ủng hộ từ bên ngoài, cụ thể hơn ở đây là Nga, bởi Moskva khi đó muốn tìm một giải pháp chính trị để giải quyết vấn đề Donbass thông qua Minsk II.