Đây cũng là mức tăng số ca bệnh trong ngày kỷ lục tại quốc gia Đông Nam Á kể từ khi dịch bùng phát.
Cũng trong hôm nay, Indonesia báo cáo thêm 294 người chết vì COVID-19. Số ca nhiễm nCoV tử vong tại nước này là 54.956 trường hợp.
Trong nỗ lực ngăn chặn đà tăng ca nhiễm tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, chính phủ Indonesia sẽ thắt chặt việc thực hiện giới hạn các hoạt động công cộng trong hai tuần kể từ 22/6.
Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia vượt 2 triệu. (Ảnh: JG)
Theo đó, các hoạt động của trung tâm thương mại, chợ và nhà hàng chỉ được tối đa là 25% và thời gian mở cửa bị giới hạn đến 20h tối kể cả với hoạt động giao hàng.
Văn phòng thực hiện làm việc tại nhà với 75% số nhân viên trong vùng đỏ đại dịch và 50% ở các vùng còn lại. Các hoạt động thiết yếu khác của ngành như công nghiệp, dịch vụ cơ bản, tiện ích công cộng, các ngành quan trọng của quốc gia được duy trì với các quy trình y tế nghiêm ngặt. Chỉ thị trên hiệu lực từ ngày 22/6 đến 5/7.
Các khu vực được chỉ định là vùng đỏ của Indonesia bao gồm Kudus ở Java, Bangkalan trên đảo Madura, thủ đô Jakarta và một phần của tỉnh Riau ở đảo Sumatra.
Số ca mắc COVID-19 ở Indonesia tăng mạnh kể từ sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo khi hàng triệu người Indonesia trở về quê hương. Sự xuất hiện của biến thể Delta nguồn gốc từ Ấn Độ ở một số khu vực, bao gồm thủ đô Jakarta đông đúc, Kudus và Bangkalan khiến tình hình dịch bệnh khó kiểm soát hơn.
Số ca bệnh tăng đột biến khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, đồng thời làm dấy lên nỗi lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới. Năng lực theo dõi sự lây lan của các biến thể ở Indonesia khá hạn chế nên rất khó để đánh giá mức độ lan truyền của biến chủng Delta ở quốc gia quần đảo 270 triệu dân này.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu số ca bệnh tiếp tục tăng, hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này khó lòng cầm cự. "Indonesia có thể trở thành quốc gia tiếp theo hứng chịu sóng thần COVID-19", Dicky Budiman, nhà dịch tễ học người Indonesia tại Đại học Griffith ở Australia cho hay.
Trong khi các nhà dịch tễ học trong nước đổ lỗi cho biến chủng Delta làm tăng vọt số ca nhiễm thì giáo sư Gusti Ngurah Mahardika thuộc Đại học Udayana cho rằng việc chính quyền không siết chặt biện pháp phòng dịch, cũng như tâm lý chủ quan của người dân mới là nguyên nhân khiến dịch bệnh tồi tệ như hiện nay.