Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Vua rác' David Dương kể chuyện thuyết phục nữ Thị trưởng Mỹ sang thăm Việt Nam

(VTC News) -

Trước nhiều lời mời, cuối cùng bà Sheng Thao - Thị trưởng TP Oakland (Mỹ) chọn Việt Nam là điểm đến để kết nối doanh nghiệp 2 nước, theo đề xuất của ông David Dương.

Mới đây, đoàn doanh nghiệp tiểu bang California do bà Sheng Thao - Thị trưởng TP Oakland (Mỹ), làm trưởng đoàn đã đến chào xã giao các Bộ, ngành, lãnh đạo TP Hà Nội. Đây là hoạt động do Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco và ông David Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions Hoa Kỳ (CWS) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đồng tổ chức.

Phóng viên VTC News đã trò chuyện với ông David Dương để tìm hiểu thêm thông tin xung quanh chuyến thăm đặc biệt này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn quan chức và doanh nghiệp tiểu bang California, Mỹ, chiều 1/8. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Nói về lý do Thị trưởng TP Oakland và đoàn doanh nghiệp tiểu bang California (Mỹ) lựa chọn Việt Nam trong chuyến đi này, ông David Dương cho hay:

Thật sự thì chuyến đi này rất hay, rất ý nghĩa và chúng tôi mong chờ những kết quả tốt đẹp.

Như các bạn đã biết, Oakland hiện nay là thành phố cảng lớn hàng thứ ba của Mỹ và là một trong những thành phố lớn của vùng vịnh San Francisco - Oakland - San Jose. Trong đó, San Jose là thành phố thung lũng điện tử, còn San Francisco là thành phố kinh tế.

Bà Sheng Thao - Thị trưởng TP Oakland, là người H'mông (Lào) được sinh ra ở Mỹ. Đầu năm 2023, sau khi lên nắm quyền, bà Sheng Thao muốn thúc đẩy nền kinh tế của thành phố và nhiều người muốn bà có chuyến đi đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, tôi đã gặp và đề xuất với bà Thị trưởng rằng: "Hiện nay mối quan hệ hợp tác kinh tế Mỹ - Trung Quốc đang gặp trở ngại vì nhiều lý do. Trong khi đó, sau đại dịch COVID-19, nhiều nhà sản xuất của Mỹ đã lựa chọn Việt Nam là nơi cung ứng nguyên vật liệu. Hay nhất là bà hãy đến Việt Nam".

Tôi cũng nói với bà Thị trưởng rằng: "Về Việt Nam sẽ không "trải thảm đỏ" như khi bà sang Trung Quốc, nhưng sẽ đón rước bà đi vào đúng thực tế. Mình muốn kết nối cho doanh nghiệp chứ không phải đi chỉ bắt tay, làm quen".

Và may mắn khi tôi thuyết phục thành công bà Sheng Thao, cùng với Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, để tạo nên chuyến đi này. May mắn hơn nữa bà Thị trưởng chọn tôi làm cố vấn để đưa đoàn đi.

- Mục đích chính của chuyến thăm lần này là gì, thưa ông?

Thông thường, đoàn do quan chức dẫn đầu đi thăm nước ngoài sẽ do Bộ Ngoại giao sắp xếp. Tuy nhiên, đi theo kiểu này sẽ mang nhiều tính hình thức nên tôi đề xuất với Thị trưởng Sheng Thao rằng, một số công việc sẽ do Bộ Ngoại giao sắp xếp, còn một số công việc sẽ do tôi sắp xếp để thực tế hơn.

Dự kiến ban đầu đoàn đi gồm 15 người nhưng sau đó đăng ký rất nhiều, hiện tại đến Việt Nam là 52 người gồm doanh nghiệp đầu tư bất động sản, doanh nghiệp đầu tư tài chính, doanh nghiệp y tế, doanh nghiệp xuất nhập khẩu...

Đoàn gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó có 2 ngân hàng (một ngân hàng lớn có tổng vốn khoảng 60-65 tỷ USD và một ngân hàng có vốn 2,5 tỷ USD). Mục tiêu của 2 ngân hàng này muốn tìm hiểu về các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ xem chất lượng hàng hoá thế nào, để họ tài trợ cho những công ty nhập khẩu ở Mỹ, nhằm thúc đẩy việc xuất nhập hàng thông suốt, nhanh chóng hơn.

Sau khi kết thúc hành trình tại Hà Nội, chúng tôi sẽ đến Đà Nẵng, đây là thành phố được bà Thị trưởng nói riêng và đoàn công tác nói chung đặc biệt quan tâm bởi Oakland đã ký kết nghĩa với Đà Nẵng từ năm 2005, thời mà Thủ tướng Phan Văn Khải đi qua đó. Tuy vậy, sau ký kết đó, những Thị trưởng sau này không quan tâm nhiều về vấn đề giao thương quốc tế.

Vậy nên chúng tôi muốn "hâm nóng" sự kết nghĩa với Đà Nẵng, kết nối cảng Đà Nẵng với cảng Oakland.

Sau đại dịch, kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, khó khăn, Oakland và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Thông qua ngoại giao, chúng tôi mong muốn tạo nên những sự giao thương qua lại.

Đặc biệt sau chuyến đi này, Oakland sẽ thành lập một nhóm chuyên trách về vấn đề đầu tư, giúp cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam khi đưa sản phẩm qua cảng Oakland sẽ được làm thủ tục nhanh chóng. Ngược lại, những sản phẩm của Mỹ xuất ra cảng Oakland về Việt Nam cũng gặp nhiều thuận lợi.

- Ông kỳ vọng gì vào chuyến công tác này?

Tôi luôn tâm niệm rằng, phải làm sao để hàng hoá của Việt Nam được xuất nhiều hơn qua Mỹ cũng như hàng hóa của Mỹ xuất nhiều hơn sang Việt Nam. Bởi hàng hóa mới là thực tế, nếu hàng hoá xuất nhiều thì mình sản xuất nhiều, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn sẽ đóng thuế nhiều hơn cho thành phố, giúp thành phố có thêm ngân sách để thực hiện các vấn đề khác trong xã hội.

Đặc biệt trong đoàn đi, tôi kéo theo những diễn viên điện ảnh nổi tiếng. Tôi muốn họ đến Việt Nam, tôi đốc thúc họ trong tương lai sản xuất những bộ phim có nhiều phân cảnh tại Việt Nam.

Theo tôi, muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam sâu rộng, được nhiều người biết đến hơn thì không có cách nào nhanh và hiệu quả hơn là đi vào phim ảnh.

Chúng ta hãy nhìn sang người láng giềng Trung Quốc, rất nhiều phim Mỹ được sản xuất tại đất nước này, cùng với sự tham gia của người Hoa. Hình ảnh của Trung Quốc được đưa vào rất nhiều bộ phim lớn, đây là cách làm marketing, quảng bá đất nước rất hay.

Doanh nhân David Dương và tài tử Danny Glover thưởng thức món bún chả Hà Nội vào tối 1/8.

- Sẽ có thỏa thuận nào được ký kết trong chuyến đi này thưa ông?

Chiều 31/7, đoàn công tác đã có cuộc gặp với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội hoan nghênh chuyến thăm của đoàn doanh nghiệp tiểu bang California tới Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác với Hà Nội, cam kết chính quyền Thủ đô sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ, tạo điều kiện để thúc đẩy các dự án mới trên địa bàn, góp phần đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của quan hệ hai nước và địa phương.

Ông Trần Sỹ Thanh cũng đề xuất ý kiến rằng chưa thể ký kết được ngay thì đôi bên cần thảo luận vài hợp tác giữa Hà Nội và Oakland để đi đến thống nhất, sau đó sẽ ký kết bằng hình thức trực tuyến.

Ngày 2/8, tại Đà Nẵng, đoàn sẽ có các ký kết với cảng Đà Nẵng, ký kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO). Riêng tôi cũng đồng ý ký kết hỗ trợ sản xuất thiết bị trong ngành môi trường, tái chế với THACO.

Khi đoàn về tỉnh Long An sẽ ký để cảng Long An và cảng Oakland hỗ trợ nhau tất cả sản phẩm, hàng hoá ra vào cảng. Tôi được biết, cảng Long An là địa điểm xuất đi rất nhiều nông sản.

Cùng đó, tôi đã liên lạc với hàng không VietJet, họ mong muốn ký kết để có những chuyến bay thẳng sang Mỹ, cụ thể là đến thành phố Oakland. Vị trí sân bay Oakland rất tiện, quãng đường di chuyển sang các thành phố lân cận tiện lợi. Chúng tôi khuyến khích hãng máy bay kế tiếp của Việt Nam có đường bay thẳng sang Mỹ thì hãy về Oakland. Hãng VietJet đã sẵn sàng.

Đặc biệt, cũng trong chuyến đi này, đoàn doanh nghiệp tiểu bang California sẽ hỗ trợ tổ chức một chương trình giao lưu giữa các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam với các doanh nghiệp trong nước diễn ra tại TP.HCM, quy mô khoảng 150 người.

Đôi bên kết nối nhau, thông qua văn phòng của Thị trưởng Oakland sẽ có một nhóm phụ trách vấn đề ký kết, hợp tác với sự hỗ trợ của chính quyền Oakland cũng như chính quyền sở tại - nơi doanh nghiệp trong nước hoạt động.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Thị trưởng Oakland (Mỹ) Sheng Thao. (Ảnh: Kinh tế và Đô thị).

- Mọi người đều biết ông có quan hệ với giới chức rất cao ở Mỹ, trong đó phải kể đến Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Vậy trong những cuộc trò chuyện giữa ông và các chính trị gia Mỹ, ông có hay nhắc về Việt Nam?

May mắn của tôi là khởi nghiệp, làm doanh nghiệp ở Mỹ hàng chục năm nay nên có quan hệ rất tốt với những quan chức, ngay từ khi họ mới chỉ đứng ra kêu gọi bầu cử, cho đến khi họ thăng chức dần dần. Đây là những mối quan hệ có chiều sâu, thân tình.

Tất nhiên mình là doanh nghiệp không thể can thiệp vào quan hệ chính trị giữa đôi bên nhưng mỗi lần gặp những người bạn của mình là quan chức Mỹ thì tôi thường nói về Việt Nam. Và mỗi lần họ thắc mắc hay muốn tìm hiểu thêm về Việt Nam thì cũng sẽ gọi cho tôi.

Mới đây, tại buổi ăn tối với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và 4-5 người bạn khác, tôi cũng nói với ông ấy rằng khi lên làm Chủ tịch Hạ viện thì nên mời Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sang thăm Mỹ.

Hay tại cuộc trò chuyện với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul, tôi cũng nói về Việt Nam và giải thích cho ông ấy một số thắc mắc về quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Tôi nói với ông ấy rằng: “Việt Nam luôn muốn thúc đẩy quan hệ với Mỹ nhưng Việt Nam muốn bước từ từ để đạt hiệu quả, nếu bước nhanh quá sẽ vấp”.

Khi gặp quan chức Mỹ, tôi luôn nói cái gì tốt nhất cho đất nước mình.

- Một số dự án sắp tới của ông triển khai ở Việt Nam là gì?

Hiện nay, chúng tôi làm rất nhiều ngành nghề nhưng chuyên môn vẫn là thu gom và xử lý rác, tái chế phế liệu.

Ở Việt Nam, chúng tôi có Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước cho TP.HCM, hiệu quả đến nay tương đối thành công, một phần là nhờ vào sự hỗ trợ tối đa của các cấp chính quyền.

Sắp tới đây, chúng tôi sẽ thực hiện một dự án được Chính phủ và tỉnh Long An giao làm một khu công nghệ môi trường xanh. Trong dự án này, tôi mong muốn sẽ mang tất cả những công nghệ mới nhất về.

Đặc biệt, tôi muốn xây dựng dự án đó trên mô hình kêu gọi nhiều người Việt đang sinh sống tại Mỹ cùng đầu tư vào. Bởi khi đầu tư vào, họ mới có nguồn thu nhập để đi đi về về và nếu có đầu tư vào thì họ mới muốn về Việt Nam. Họ hãnh diện khi đầu tư dự án an toàn có quy mô, có hợp đồng với Nhà nước.

Tôi vẫn có một băn khoăn, nhiều thế hệ người Mỹ gốc Việt mỗi năm họ có một kỳ nghỉ nhưng lại không chọn Việt Nam, Việt Nam không nằm trong danh sách họ lựa chọn. Mình thấy đó là cái đau vì đó là quê hương của mình.

 

Tôi vẫn mong muốn tạo nhiều cơ hội, nhiều chương trình để thúc đẩy cho người Mỹ gốc Việt trở lại quê hương nhiều hơn.

Ông David Dương

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh An

Tin mới