Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vừa gồng mình chống bão, người dân miền Trung lại tất tả chạy lụt

(VTC News) -

Sau nhiều giờ quần thảo miền Trung, bão số 6 khiến 3 người chết, nhiều người bị thương và mất tích, nước lũ dâng cao đang làm ngập, chia cắt hàng nghìn hộ dân.

Chiều ngày 27/10, sau khi đi sâu vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Tại tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của bão số 6, địa bàn tỉnh có mưa lớn diện rộng trong nhiều ngày. Cùng với thủy điện Za Hung và sông Kôn đồng loạt điều tiết xả lũ, một số vùng rốn lũ ở xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc bị ngập sâu, gây cô lập cục bộ.

Trong lúc phòng, chống bão, một người dân tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc bị trượt chân rơi xuống đất tử vong. Tỉnh này còn ghi nhận 3 người dân bị thương tích nặng khi chằng chống nhà cửa, phòng chống cơn bão số 6.

Nhiều nhà dân ở thôn Thái Chấn Sơn bị ngập sâu. (Ảnh: CTV)

Ông Đặng Văn Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, xác nhận cầu tràn dẫn vào thôn Thái Chấn Sơn bị ngập sâu. Lãnh đạo huyện đã yêu cầu chính quyền xã Đại Hưng cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men cho hơn 300 hộ dân của thôn Thái Chấn Sơn trong vài ngày nếu tình trạng cô lập tiếp diễn.

Tuy bão số 6 không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam nhưng ảnh hưởng của bão gây mưa to và gió lớn đã khiến 13 ngôi nhà bị tốc mái; sụt lún ở khu vực miền núi; gây ra 35 vụ sự cố lưới điện, khiến cho 819 trạm biến áp và hơn 84.400 khách hàng bị mất điện.

Tính đến 16h ngày 27/10, Quảng Nam sơ tán hơn 4.400 hộ với hơn 18.000 nhân khẩu khỏi khu vực nguy hiểm do ảnh hưởng của bão số 6.

Bão số 6 quần thảo trên đất liền Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế

Tối 27/10, sau khi bão số 6 quần thảo, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng đã có báo cáo về thiệt hại ban đầu.

Cụ thể, 51 nhà ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bị ngập, 53 căn nhà bị tốc mái 1 phần, 9 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn.

Cây xanh đổ đè lên ô tô ở TP Đà Nẵng. (Ảnh: X.T)

Ngoài ra, 1 ghe bị chìm, 12ha hoa màu bị thiệt hại; 909 cây xanh bị ngã đổ, 3 vụ lưới điện 110kV bị sự cố, 177 trạm biến áp, một tuyến 22kV chưa khôi phục. Một số khu vực còn mất điện.

Vỉa hè đường ở TP Đà Nẵng bị quật bung bật. (Ảnh: X.T)

Cùng với đó, tuyến đường Như Nguyệt (đoạn gần cầu Thuận Phước) nước sông dâng cao gây ngập một đoạn mặt đường với chiều dài khoảng 150m. Sóng lớn đánh cũng gây hư hỏng, bong bật gạch vỉa hè nhiều vị trí, ngã trụ đèn trang trí phía sông và đất, cát tràn lên vỉa hè, lòng đường.

Tính đến thời điểm hiện tại, TP Đà Nẵng đã sơ tán 1.719 hộ dân/6.171 khẩu.

Chiều 27/10, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, bão số 6 đã làm 214 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, tập trung chủ yếu ở huyện Phú Lộc (210 nhà), gồm xã Lộc Điền 16 nhà, Lộc An 3 nhà, thị trấn Phú Lộc 63 nhà, xã Lộc Trì 3 nhà, Lộc Thủy 24 nhà, Lộc Tiến 22 nhà, thị trấn Lăng Cô 73 nhà, xã Vinh Mỹ 6 nhà.

Thời điểm xảy ra mưa bão, hai người đàn ông tại TP. Huế và huyện Phú Lộc đã không may tử vong do bị nước cuốn trôi. Thi thể các nạn nhân được lực lượng chức năng tìm thấy vào chiều 27/10 và bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Bão số 6 khiến 2 người ở Thừa Thiên - Huế tử vong, nhiều nơi đang bị cô lập. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân vùng thiên tai, các địa phương tại Thừa Thiên-Huế đã thực hiện di dời 2.469 hộ với 7.085 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm sạt lở, nước dâng, ngập lụt.

Dự báo từ chiều tối 27-29/10, tại Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-250mm, có nơi trên 350mm.

Do ảnh hưởng của bão số 6, tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Dù cơn bão không trực tiếp đổ bộ nhưng gây mưa rất lớn trên diện rộng toàn tỉnh, lượng mưa từ 19h ngày 26/10 đến 16h ngày 27/10 phổ biến từ 200 mm đến 400 mm, có nơi mưa đặc biệt lớn trên 400 mm như tại Đầu mối hồ Bảo Đài 478 mm, đập Thủy điện La Tó 443 mm, Tà Long 423 mm, Bến Quan 420 mm.

Nước lũ tại các sông ở Quảng Trị đang dâng cao. (Ảnh: CTV)

Mưa lũ làm nước sông dâng cao gây ngập các ngầm, tràn trên nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Trị như, huyện Vĩnh Linh, Hướng Hóa, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà,…ước tính có hàng trăm hộ dân bị ngập nước, 659 hộ/1.662 nhân khẩu được sơ tán đến nơi an toàn.

Đặc biệt, trên tuyến đường Hồ Chí Minh xuất hiện 3 điểm sạt lở ở các vị trí Km 255+500, Km255+600, Km 279 với khối lượng khoảng 100m3. Tuyến đường 588A tại Km3+400 khối lượng khoảng 5m3.

Ngày 27/10, tỉnh Quảng Bình có mưa to, có nơi mưa rất to, gây ngập lụt cục bộ ở một số địa phương miền núi.

Đặc biệt, tại rốn lũ huyện Lệ Thủy, tổng lượng mưa có nơi đạt trên 400mm, trọng điểm mưa là khu vực các xã: Thái Thủy, Kim Thủy, Trường Thủy… Hiện, mực nước sông Kiến Giang đang lên rất nhanh gây ngập lụt một số tuyến đường của thị trấn Kiến Giang.

Lực lượng chức năng giúp người dân Quảng Bình di dời đồ đạc khỏi vùng ngập lụt. (Ảnh: H.T)

Trong lúc giúp người dân vùng ngập lụt di dời, anh Lê Ngọc Hơn (SN 2002, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) bị nước lũ cuốn trôi, mất tích. UBND huyện Lệ Thủy đang huy động lực lượng quân sự, công an để hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ nạn nhân.

Tính đến 16h ngày 27/10, huyện Lệ Thủy đã tổ chức di dời 73 hộ dân, với 201 nhân khẩu, bao gồm: 20 hộ, 60 nhân khẩu ở bản Mít Cát (Kim Thủy); 5 hộ, 22 nhân khẩu ở bản Tân Ly (Lâm Thủy); 4 hộ, 10 nhân khẩu ở bản Khe Giữa (Ngân Thủy); 30 hộ, 85 nhân khẩu ở hồ Dạ Lam (Thái Thủy) và 14 hộ, 56 nhân khẩu ở đập Cây Bông và đập Cồn Cùng (Kim Thủy).

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến hết đêm 28/10, ở khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm, cục bộ có nơi trên 400mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h).

Khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 70-150mm, cục bộ có nơi trên 200mm.

Nhóm PV

Tin mới