Trong 3 nhiệm kỳ, gần 14 năm từ 2011 đến nay, trên cương vị đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đây cũng là giai đoạn đất nước đứng trước nhiều thử thách, khó khăn, nhất là tình trạng suy thoái đạo đức, tư tưởng, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, đứng trước bối cảnh này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với cương vị là nhà lãnh đạo cao nhất, đã có những bước lãnh đạo và đóng góp cụ thể, trước hết là đoàn kết được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đoàn kết toàn dân, phát huy Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên XHCN. Đặc biệt, là cụ thể hóa sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, hoàn thiện và phát triển đường lối đổi mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và PGS.TS Đào Duy Quát. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
PGS.TS Đào Duy Quát khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những dấu ấn lớn trong sự nghiệp chính trị, cách mạng của mình.
Theo ông Đào Duy Quát, theo đường lối đổi mới, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế; cụ thể hoá cơ chế, chính sách thành luật, thành những hành động quyết liệt. Đặc biệt, đã “gỡ” được hàng loạt nút thắt trong phát triển kinh tế. Tổng Bí thư đã chỉ đạo các cơ quan hành pháp thực hiện quyết liệt, phối hợp toàn bộ hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo sát sao, quyết đoán; Quốc hội có thể chế đồng hành; Chính phủ tổ chức thực hiện và cuối cùng là có sự đồng lòng của toàn dân.
"Trước nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đóng góp rất to lớn là sự nghiệp chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta từng bước trong sạch vững mạnh. Đặc biệt, trong hơn 3 năm cuối cùng của nhiệm kỳ XIII đã thực hiện rất quyết liệt và thu được những kết quả tích cực.
Từ khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp giữ cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy, có sự lãnh đạo phối hợp của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ban ngành liên quan, tạo thành sự lãnh đạo tập thể, lãnh đạo chặt chẽ từ thanh tra, kiểm tra, đến điều tra, truy tố, xét xử", PGS.TS Đào Duy Quát nhấn mạnh.
"Qua khóa XII đã có thêm một bước hoàn thiện về cơ chế, thể chế, chính sách trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nói chung và đặc biệt là trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Đến khóa XIII, điều này càng được thể hiện rõ hơn và càng ngày càng cụ thể hơn, thể hiện qua những tuyên bố của Tổng Bí thư về “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”… vừa làm quyết liệt và vừa nhân văn". PGS.TS Quát nhận định như vậy, đồng thời cho rằng, phòng chống tham nhũng nhưng vẫn phát triển kinh tế xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo sát sao, cụ thể, có thể thấy qua việc sửa luật về đất đai vừa qua nhằm ngăn chặn việc lợi dụng các sơ hở của cơ chế chính sách để tham nhũng, nhưng vẫn có cơ chế để cho người dám nghĩ dám làm thực hiện phát triển kinh tế xã hội.
"Chống tham nhũng quyết liệt, nhưng vẫn phát triển được kinh tế xã hội", ông Quát nhấn mạnh.
Vì sao Tổng Bí thư có thể giương cao ngọn cờ chống tham nhũng như vậy? Ông Đào Duy Quát lý giải, lý do là bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được toàn Đảng, toàn dân tin tưởng về lối sống. Ông như một tấm gương sáng, tấm gương xuất sắc trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, Tổng Bí thư đã thực hiện hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, đặt ra tiền lệ để các nhà lãnh đạo kế cận tiếp tục thực hiện vai trò của Đảng, của Bộ Chính trị trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; “Lò” đã nóng "củi" tươi cũng cháy...”, là những câu nói đầy ấn tượng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công cuộc phòng, chống tham nhũng. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực được đẩy mạnh và đạt những kết quả rất ấn tượng, xử lý nhiều vụ án tiêu cực lớn, được dư luận quan tâm, làm cho lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ngày càng nâng cao. Cũng thông qua công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực này, mỗi cán bộ đảng viên tự soi, tự sửa, tự rèn luyện mình theo chuẩn mực đạo đức cách mạng.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, công cuộc phòng chống tham nhũng đã và đang tạo niềm tin mạnh mẽ trong dư luận, trong đó, dấu ấn cũng như vai trò của người đứng đầu Đảng - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được thể hiện đậm nét.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, tổng kết 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trung ương nhận định hoàn toàn khách quan, chính xác: "Từ khi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có thể nói công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta được nâng lên một giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn và chính thực tế đó đã góp phần rất quan trọng để củng cố niềm tin của nhân dân.
"Chính vì lẽ đó mà tôi nghĩ rằng, gia tài, tài sản lớn nhất của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay chính là lòng tin của toàn Đảng, toàn dân", ông Nguyễn Đức Hà trầm ngâm.
Một trái tim lớn đã ngừng đập. 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một tấm gương sáng về người cộng sản mẫu mực, hết lòng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Công cuộc làm trong sạch Đảng đi đôi với việc phát triển kinh tế, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân luôn song hành, đúng như chủ trương nhất quán của Đảng mà ông là người đứng đầu: Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt.