Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Luật sư tiếp tục gửi kiến nghị tới Chủ tịch nước

(VTC News) -

Ngày 13/6, luật sư Trần Hồng Phong tiếp tục có đơn cung cấp tình tiết mới và kiến nghị kháng nghị tái thẩm vụ án Hồ Duy Hải gửi tới Chủ tịch nước.

Ngoài ra, luật sư Phong cũng gửi thư đến viện trưởng Viện KSND tối cao và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để cung cấp thêm thông tin về vụ án Hồ Duy Hải mà ông Phong mới thu thập được.

Theo luật sư Phong, ngay sau khi phiên tòa Giám đốc thẩm kết thúc, những ngày qua liên tiếp xuất hiện nhiều tài liệu, tình tiết mới trước đây ông và các luật sư chưa từng biết đến, hoặc không được tiếp cận, hoặc chưa phát hiện ra.

Trong đơn, luật sư Phong chỉ ra nhiều điểm chưa được làm rõ, đặc biệt là các tài liệu thể hiện Hồ Duy Hải liên tục kêu oan, nhưng chưa bao giờ được xem xét nội dung kêu oan. Việc Hồ Duy Hải khai nhận tội là có, tuy nhiên cùng đó Hồ Duy Hải cũng liên tục kêu oan, khẳng định mình chỉ khai, chứ không thực hiện hành vi giết hại hai nạn nhân.

Tử tù Hồ Duy Hải.

"Khi nhận cáo trạng, lời nói đầu tiên của Hồ Duy Hải là mình không phạm tội, cáo trạng không đúng. Hồ Duy Hải kêu oan tại phiên tòa sơ thẩm, tại phiên phúc thẩm Hồ Duy Hải cũng kêu oan", luật sư Phong cho biết trong đơn.

Trong lời nói sau cùng Hồ Duy Hải đề nghị "xem xét lại vụ án này thật kỹ", và khẳng định mình không phạm tội. Trong thời gian thi hành án, năm 2011 từ trong trại tạm giam Công an tỉnh Long An, Hồ Duy Hải đã gửi đơn kêu oan đến Quốc hội. Và nhiều lần khác khi tiếp xúc các đoàn liên ngành, Hồ Duy Hải cũng kêu oan.

Luật sư Phong cho rằng, điều bất thường là những tài liệu thể hiện lời kêu oan của Hồ Duy Hải hoặc đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án, hoặc các luật sư chưa bao giờ được tiếp cận. Chỉ sau phiên tòa Giám đốc thẩm, những tài liệu thể hiện việc Hồ Duy Hải kêu oan mới xuất hiện và hoàn toàn có thể kiểm chứng.

Ngoài nội dung trên, luật sư Phong cũng cho biết, trong bản ảnh thực nghiệm hiện trường do CQĐT chụp (ngày 20/8/2008) cho thấy một tình tiết bất ngờ đó là thẩm phán Lê Quang Hùng - người sau đó là chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đã có mặt chứng kiến quá trình thực nghiệm điều tra.

Theo quy định tại Điều 42 và 46 Bộ luật Tố tựng hình sự 2003 (nay là Điều 49 và 53 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) thì: Người tiến hành tố tụng (thẩm phán) phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu họ đã tham gia với tư cách là người làm chứng trong vụ án đó; hoặc có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Theo luật sư Phong, mặc dù thẩm phán Hùng không chính thức tham gia vào quá trình thực nghiệm điều tra với tư cách là người làm chứng, tuy nhiên việc ông có mặt, chứng kiến Hồ Duy Hải thực nghiệm điều tra (là một thủ tục tố tụng thuộc giai đoạn điều tra và có ý nghĩa tương đương vai trò là người chứng kiến) rồi sau đó chính ông lại là chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm là không vô tư, khách quan.

Từ những tình tiết mới trên, luật sư Trần Hồng Phong đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao xem xét và ra quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với vụ án này theo quy định tại Điều 400 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Minh Tuấn

Tin mới