Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vụ tro cốt bị chất xó ở Chùa Kỳ Quang 2: Nhà chùa có phải bồi thường?

(VTC News) -

Luật cho rằng quan hệ giữa nhà chùa và người gửi tro cốt chịu sự điều chỉnh theo quy định chung của pháp luật dân sự, nguyên tắc nhà chùa phải bồi thường.

Liên quan tới sự việc chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) bị người dân phát hiện chất xó hàng trăm hũ tro cốt, di ảnh gắn trên các hũ tro cốt rơi vãi dưới nền nhà, trao đổi với PV VTC News, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: "Việc người dân gửi tro cốt vào chùa là theo quan hệ hợp đồng dân sự, tuy nhiên thực tế không tồn tại hợp đồng giữa hai bên, do đó việc chứng minh các nội dung đã thỏa thuận là rất khó".

Hình ảnh tro cốt bị vứt xó tại chùa Kỳ Quang 2 khiến nhiều người bức xúc.

Theo Luật sư Cường, trong Điều 884 Bộ Luật Dân sự chỉ rõ, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên.

Theo đó, bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng.

Bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công. Có thể nhà chùa không thu phí chính thức nhưng người dân và nhà chùa có những cách thức khác như người gửi đóng góp vào chùa lợi ích vật chất khi gửi tro cốt thì đó vẫn có thể được coi là tiền dịch vụ.

"Như vậy, nhà chùa được coi là bên cung cấp dịch vụ và người gửi hũ tro cốt là người sử dụng dịch vụ của nhà chùa, chịu sự điều chỉnh của các quy định chung của pháp luật dân sự cũng như quy định về hợp đồng dịch vụ. Về nguyên tắc, nhà chùa phải bồi thường", luật sư Cường nêu quan điểm.

Người dân có tro cốt người thân bị vứt xó bức xúc, yêu cầu nhà chùa làm rõ.

Nói rõ về vấn đề này, luật sư Cường cho rằng, quan hệ giữa nhà chùa và người gửi tro cốt chịu sự điều chỉnh của quy định chung của pháp luật dân sự. Trong quan hệ này, nhà chùa phải thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

"Qua sự việc trên cho thấy nhà chùa đã vi phạm nguyên tắc này, nhất là để hình ảnh rơi rớt, làm lẫn lộn các hũ tro cốt. Hậu quả hiện nay có thể coi là nhà chùa đã vi phạm nghĩa vụ vừa nêu. Tại Bộ luật Dân sự cũng có hướng giải quyết hệ quả này.

Theo Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 thì nếu có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Vì vậy, trường hợp các bên thừa nhận có hợp đồng dịch vụ giữa hai bên thì về nguyên tắc nhà chùa phải bồi thường thiệt hại cho bên gửi", luật sư Cường phân tích.

Trước đó, ngày 1/9 (nhằm ngày 14/7 Âm lịch), mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh nhiều hũ tro cốt, di ảnh của người đã khuất được để bừa bộn giữa nền nhà, chất đống trong xó tại chùa Kỳ Quang 2  khiến nhiều người bức xúc.

Thượng toạ Thích Thiện Chiếu - Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 cho rằng không liên quan đến sự việc.

Trả lời PV VTC News, chị Huỳnh Mỹ Tiên (ngụ TP.HCM) - người đăng tải bài viết cho biết, hình ảnh được chị chụp vào sáng cùng ngày tại chùa Kỳ Quang 2.

Nhân mùa Vu lan báo hiếu, chị Tiên cùng người thân đến chùa Kỳ Quang 2 để thắp hương tưởng nhớ người thân đã khuất. Tại chùa, gia đình chị gửi 4 tro cốt của ông, bà, cậu và chị gái của chị.

Tuy nhiên, khi đến chùa, cảnh tượng tro cốt của người thân bị dịch chuyển, vứt lộn xộn khiến chị cùng hàng trăm người rất bức xúc.

Ngày 3/9, hàng trăm người dân đã tập trung tại chùa, bày tỏ bất bình về sự việc. Theo những người phản ánh, những năm gần đây, để được gửi tro cốt vào chùa, phải bỏ ra ít nhất 6 triệu đồng tiền phí. Những người đã gửi từ lâu có giá cao hơn, đỉnh điểm có người phải bỏ hơn hơn 6 cây vàng để có một "dằm" tại chùa cho người thân đã khuất.

Thế Quang

Tin mới