Cây cầu Kerch (hay còn gọi là cầu Crimea) nối từ lãnh thổ Nga đến bán đảo Crimea được coi là viên ngọc quý trong các dự án cơ sở hạ tầng của Nga và được truyền thông Nga ca ngợi là “công trình xây dựng của thế kỷ”.
Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga ngày 8/10 cho biết, cây cầu nối Bán đảo Crimea với lục địa Nga đã bị hư hại trong một vụ đánh bom xe tải. Ảnh: Reuters
Thời điểm xảy ra vụ nổ đáng chú ý
Trong buổi lễ khánh thành cây cầu vào ngày 15/5 năm 2018, Tổng thống Putin đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của cầu Kerch, nhấn mạnh đây là “thành tựu đáng chú ý: “Trong các thời đại lịch sử khác nhau, người ta đã mơ ước xây dựng cây cầu này. Cuối cùng, nhờ công việc và tài năng của các bạn, điều kỳ diệu đã xảy ra”.
Với chiều dài 19km, cầu Kerch là tuyến đường bộ trực tiếp duy nhất nối từ Moskva đến bán đảo Crimea. Nó được phòng thủ nghiêm ngặt kể từ khi Nga bắt đầu phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine và được cho là có vai trò cực kỳ quan trọng, khiến Nga từng cảnh báo đáp trả mạnh mẽ nếu cây cầu này bị tấn công.
Nhưng vào buổi sáng ngày 8/10, đã xảy ra một vụ nổ lớn làm rung chuyển cây cầu Kerch, khiến ít nhất 2 nhịp trên phần đường dành cho ô tô của cây cầu trên Eo biển Kerch nói trên bị sập. Nguyên nhân chính xác của vụ nổ trên cây cầu dài nhất châu Âu này vẫn chưa rõ ràng. Các quan chức Nga cho biết xe chở nhiên liệu đã phát nổ trên cầu, làm ít nhất 3 người thiệt mạng.
Cầu Kerch không chỉ là một phần nỗ lực của Moskva nhằm giúp Crimea sớm hội nhập vào Nga, mà còn là tuyến đường tiếp tế chính cho các lực lượng Nga ở Crimea và các đơn vị đang hoạt động tại miền Nam Ukraine. Trong nhiều tháng qua, những đoàn xe quân sự của Nga đã tăng cường sử dụng cây cầu này để chở trang thiết bị và nhiên liệu để chi viện cho tiền tuyến.
Nhiều nhà phân tích cho rằng thời điểm xảy ra vụ nổ rất đáng chú ý, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Putin kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của ông và trong bối cảnh Ukraine đang đẩy mạnh chiến dịch phản công tại các mặt trận phía Đông, phía Nam còn Nga tạm rút lui tại một số khu vực. Vụ việc cũng diễn ra một tuần sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine (gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhie).
Những thiệt hại do vụ nổ gây ra khiến tuyến giao thông chính kết nối đại lục Nga và bán đảo Crimea bị đình chỉ. Trong khi đó điều kiện thời tiết tại Eo biển Kerch đang cản trở kế hoạch của Nga sử dụng phà để đi từ Krasnodar tới Crimea. Truyền thông Nga dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết, việc tiếp tế cho quân đội Nga ở miền Nam Ukraine sẽ được thực hiện bằng đường biển và hành lang đất liền.
Trong thông báo trên Telegram ngày 8/10, ông Sergey Aksenov - người đứng đầu chính quyền Crimea do Nga thành lập cho biết: “Hiện tại, giao thông đối với ô tô con và xe buýt đã được mở lại nhưng các phương tiện này sẽ được kiểm tra an ninh kỹ càng. Còn với các tài xế xe tải, chúng tôi yêu cầu họ thay đổi tuyến đường, sử dụng phà Kerch”.
Video trên mạng xã hội cho thấy, các làn đường hướng Tây trên cầu đường bộ đã bị đóng nhưng các làn đường hướng Đông vẫn hoạt động bình thường.
Nguy cơ xung đột Nga-Ukraine leo thang đáng kể
Theo giới phân tích, vụ nổ mà giới chức Nga cho là vụ đánh bom xe tải có nguy cơ khiến xung đột Nga-Ukraine leo thang đáng kể. Thiệt hại đối với cầu Kerch không chỉ gây khó khăn cho nỗ lực cung cấp nhân lực và vũ khí của Nga cho các đơn vị ở miền Nam Ukraine, mà còn gây ảnh hưởng đến tính biểu tượng của cây cầu này. Vẫn chưa rõ Tổng thống Nga Putin sẽ phản ứng như thế nào trước vụ việc này. Sau vụ nổ nói trên, phe cứng rắn tại Nga đã hối thúc ông Putin tăng cường thực hiện các hoạt động quân sự bằng cách nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Một số nhà lập pháp Nga kêu gọi ông Putin sử dụng thuật ngữ “chiến dịch chống khủng bố” thay cho “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Sergei Markov- cựu nghị sĩ đảng Nước Nga Thống nhất cho rằng, “vụ tấn công khủng bố” trên cầu Kerch là bằng chứng cho thấy “Mỹ và chính quyền Ukraine sẽ ngày càng lấn tới ranh giới đỏ”.
Điều đáng nói, Ukraine không ít lần đề cập đến việc tấn công cầu Crimea và tuyên bố sẽ thực hiện hành động này khi thời điểm phù hợp. Còn Moskva cũng nhiều lần cảnh báo, nếu Ukraine “mạo hiểm tấn công” Crimea, thì họ ngay lập tức sẽ đối mặt với “ngày phán xét”. Theo một số nhà phân tích, kế hoạch phá hủy cầu Crimea có thể tạo ra những thách thức quá lớn về hậu cần đối với Ukraine. Kiev hiện có rất ít tên lửa tầm xa và máy bay ném bom có khả năng tới Eo biển Kerch và cũng không có vũ khí hiệu quả để tung đòn tập kích địa điểm này. Cây cầu nằm cách xa lãnh thổ Ukraine, khiến phương án tấn công khả thi nhất là bằng đường không. Tuy nhiên, các hệ thống phòng thủ S-300 và S-400 tại Crimea có thể ngăn cản máy bay Ukraine tiếp cận mục tiêu.
Chỉ vài giờ sau vụ nổ, Nga tuyên bố bổ nhiệm tướng Sergey Surovikin - viên tướng kỳ cựu tại mặt trận Syria đảm nhận trách nhiệm chỉ huy toàn bộ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine. Ông Sergey Surovikin được biết đến với biệt danh "tướng Armageddon" để thể hiện cách tiếp cận cứng rắn và phi chính thống của ông đối với các hoạt động quân sự.
Giới phân tích nhận định, việc bổ nhiệm cho thấy Nga hiểu rõ những thách thức mà nước này đang gặp phải ở Ukraine và Moskva có lẽ muốn thay đổi chiến lược để đối phó trước việc quân đội Ukraine đang tiên công ở cả 4 khu vực mà Tổng thống Putin vừa tuyên bố sáp nhập vào Nga.