Liên quan đến việc ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) bị bắt ở Singapore, phía Singapore cho biết ông Vũ bị bắt khi dùng hộ chiếu giả (không phải tên Phan Văn Anh Vũ) khi nhập cảnh nước này.
Phía Singapore còn cho biết phát hiện ông Vũ có tới 3 hộ chiếu: 1 hộ chiếu do Việt Nam cấp mang tên Phan Van Anh Vu, một hộ chiếu cũng do Việt Nam cấp mang tên khác và 1 hộ chiếu thứ 3 (không ghi quốc gia cấp).
Thông tin này khiến nhiều người đặt câu hỏi, việc một công dân như Vũ “nhôm” cùng lúc mang bên mình 3 hộ chiếu có phù hợp với quy định của pháp luật?
Video: Cận cảnh công an áp giải Vũ "nhôm" tại sân bay Nội Bài
Sáng 5/1, trả lời VTC News về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, căn cứ Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 về Xuất nhập cảnh và Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 sửa đổi bổ sung Nghị định 136/2007/NĐ-CP về Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, hộ chiếu Việt Nam được chia làm 3 loại với mục đích và quyền lợi khác nhau.
Theo quy định của pháp luật, công dân Việt nam nói chung có thể được cấp 3 hộ chiếu tùy theo chức năng, nhiệm vụ, công vụ của mình.
Luật không quy định một công dân chỉ có 1 hộ chiếu vì một người có thể có nhiều chức vụ, công tác khác nhau ở các lĩnh vực quản lý nhà nước nhưng các loại hộ chiếu cấp cho cùng một người thì phải cùng tên.
Vũ 'nhôm" bị bắt khi dùng hộ chiếu giả (không phải tên Phan Văn Anh Vũ) khi nhập cảnh vào Singapore.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Phan Văn Anh Vũ, phía Singapore cho biết ông Vũ bị bắt khi dùng hộ chiếu giả (không phải tên Phan Văn Anh Vũ) khi nhập cảnh nước này.
"Như vậy, cần làm rõ nguồn gốc hộ chiếu này từ đâu? Do Phan Văn Anh Vũ gian lận để có hay ai đó giúp ông này? Hộ chiếu ấy ông Vũ không thể tự làm giả, mà phải có cơ quan, tổ chức nào đó làm giả, cấp cho ông này sử dụng", luật sư Nguyễn Anh Thơm đặt câu hỏi.
Vì vậy, cơ quan điều tra cần xem xét tình tiết này và làm rõ ai là người làm giả giấy tờ tài liệu giả này cho Vũ.
Cơ quan chức năng cần xác định, xử lý trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân liên quan. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015.
Ngoài ra, phía Singapore cũng cho biết, ông Phan Văn Anh Vũ còn mang theo một hộ chiếu thứ 3 do quốc gia khác cấp.
"Tuy nhiên, cơ quan điều tra cần làm rõ đây có phải là hộ chiếu của nước khác cấp không hay cũng là giả", luật sư Thơm nêu ý kiến.
Hộ chiếu phổ thông (Popular Passport, màu xanh lá) là loại hộ chiếu có giá trị sử dụng là 10 năm, cấp cho công dân Việt Nam (có chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu).
Người sở hữu hộ chiếu phổ thông có quyền đi đến những nước mà họ cho phép nhập cảnh. Nếu nước đó không có chính sách miễn visa thì cần làm thủ tục hoặc đóng lệ phí để xin visa khi nhập cảnh vào nước đó.
Bên cạnh đó, hộ chiếu này không được gia hạn, nếu còn hạn thì được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.
Hiện nay những công dân Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông sẽ được miễn visa tới 44 nước và vùng lãnh thổ, gần nhất là những nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
Hộ chiếu công vụ (Official Passport, màu xanh ngọc) là loại hộ chiếu có giá trị sử dụng trong vòng 5 năm (thường là một nhiệm kỳ), dành cho các quan chức lãnh đạo.
Người sở hữu hộ chiếu có thể đến bất kỳ nước nào và có quyền ưu tiên đi cổng đặc biệt khi nhập cảnh, đồng thời hưởng quyền lợi ưu tiên miễn visa theo quy định của nước bạn.
Hộ chiếu ngoại giao (Diplomatic Passport, màu đỏ) là loại hộ chiếu có giá trị sử dụng trong vòng 5 năm, dành cho các quan chức ngoại giao của chính phủ đi nước ngoài công tác.
Người sở hữu hộ chiếu này thể đến bất kỳ nước nào và có quyền ưu tiên qua các cổng ưu tiên đặc biệt khi làm thủ tục nhập cảnh, đồng thời được miễn visa theo quy định của nước bạn.
Cả 2 loại hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ nếu còn giá trị dưới 1 năm thì được gia hạn một lần (tối đa không quá 3 năm), khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.
Theo quy định, hộ chiếu phổ thông cấp cho mọi công dân Việt Nam, còn hộ chiếu ngoại giao và công vụ được cấp cho những đối tượng quy định rõ trong Nghị định.
Đối tượng được cấp loại hộ chiếu ngoại giao là các chức danh lãnh đạo thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, thuộc Quốc hội, thuộc Chủ tịch nước, thuộc Chính phủ, thuộc các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thuộc cơ quan nhà nước ở địa phương, chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Ủy viên Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giao thông viên ngoại giao, giao thông viên lãnh sự…
Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu đối ngoại hoặc lễ tân nhà nước và tính chất chuyến đi công tác, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu ngoại giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc xét quyết định cấp hộ chiếu ngoại giao theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Đối với hộ chiếu công vụ, Nghị định này quy định hộ chiếu này cấp cho công dân Việt Nam là cán bộ, công chức, viên chức quản lý, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, thuộc Quốc hội, thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân các cấp (cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện), Viện Kiểm sát nhân dân các cấp (cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện), thuộc cơ quan nhà nước ở địa phương, trong các cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, trong các cơ quan của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, trong các cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội…
Đồng thời cấp cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài,…
Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu và tính chất của chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc xét quyết định cấp hộ chiếu công vụ theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Video: Công an tiếp nhận Vũ 'nhôm' tại sân bay Nội Bài
Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;
đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Video: Chuyến bay chở Vũ 'nhôm' hạ cánh xuống sân bay Nội Bài