Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vũ khí mới giúp Mỹ 'đấu' với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Được xem là đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nhưng dự án mới của Mỹ vẫn đang đặt ra nhiều hoài nghi về tác động của nó.

Hồi đầu tháng 11, Mỹ cùng Nhật Bản, Australia tiết lộ về Mạng lưới Điểm Xanh (BDN), mô tả nó nhưng một công cụ để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng bền vững với nhiều bên liên quan ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và nhiều nơi khác trên thế giới. Nhiều nhà quan sát xem đây là đối thủ của sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

BDN trên thực tế là dự án hợp tác giữa Tập đoàn đầu tư nước ngoài Mỹ (OPIC), Bộ Ngoại giao và Thương Mại Australia cùng Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. Sáng kiến này được công bố bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 4/11 tại Thái Lan. 

 BDN được dự đoán sẽ trở thành đối trọng với BRI của Trung Quốc. 

Thông báo trên trang web của OPIC khẳng định mục tiêu ra đời của BDN là nhằm tăng cường hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân, qua đó thúc đẩy các tiêu chuẩn chất lượng cao, đáng tin cậy về phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu trong một khuôn khổ cởi mở và toàn diện.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, về cơ bản, BDN sẽ đóng vai trò như một hệ thống đánh giá, chứng nhận được công nhận trên toàn cầu với các công trình, đường, cảng, cầu tập trung vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, hay còn gọi theo cách khác là con dấu chứng nhận. 

David Bohigian, Phó Chủ tịch OPIC cho biết, thông qua BDN, Mỹ cùng các đối tác sẽ mở khóa hoàn toàn sức mạnh của chất lượng các cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy cơ hội, tiến bộ và ổn định chưa từng có. 

Keith Krach, Thứ trướng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách phát triển kinh tế, năng lượng nhấn mạnh BDN không chỉ tạo ra một nền tảng vững chắc cho các tiêu chuẩn tin cậy toàn cầu về cơ sở hạ tầng mà còn củng cố nhu cầu thiết lập các tiêu chuẩn tin cậy toàn cầu trong các lĩnh vực khác, bao gồm kỹ thuật số, khai thác, dịch vụ tài chính và nghiên cứu. 

"Các tiêu chuẩn tin cậy toàn cầu như vậy dựa trên sự tôn trọng tính minh bạch và trách nhiệm, chủ quyền tài sản và tài nguyên, lao động địa phương và nhân quyền, luật pháp, môi trường và thực tiễn quản trị lành mạnh trong mua sắm và tài chính, không chỉ được thúc đẩy bởi khu vực tư nhân, xã hội dân sự mà còn bởi các chính phủ trên khắp thế giới", ông Krach cho hay. 

Thứ trưởng Ngoại giao Australia Richard Maude nhắc lại cam kết của Canberra thúc đẩy các cơ sở hạ tầng chất lượng cao, các phương pháp tiếp cận an toàn và tạo điều kiện cho các khu vực tư nhân vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. 

Tadashi Maeda, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tin rằng BDN là sáng kiến dẫn tới việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng chất lượng của các nước G-20. 

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien nhấn mạnh BDN sẽ chống lại xu hướng hình thành các dự án chất lượng thấp khiến nhiều quốc gia rơi vào "bẫy nợ". Mỹ từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc lợi dụng sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đẩy các nước rơi vào "bẫy nợ", phát triển không bền vững và gia tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ông O'Brien ví BDN như Hướng dẫn Michelin, thang đánh giá các nhà hàng chất lượng trên khắp thế giới. 

Theo ABC News, mặc dù được nhiều người nhìn nhận là giải pháp đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, cả 2 dường như khác nhau về cơ bản. 

Với BRI, chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp nhà nước tài trợ cho các dự án quốc tế bằng cách cung cấp mọi thứ từ bê tông, thép, công nhân, tiền mặt theo cách tiếp cận mà nhiều người vẫn gọi là "ngoại giao bẫy nợ". 

BDN hỗ trợ các lựa chọn thay thế cho việc cho vay cắt cổ bằng cách tạo điều kiện để các khoản đầu tư nước ngoài đổ về các dự án. 

Phản ứng của Trung Quốc 

Trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây đang mải miết so sánh BRI và BDN, truyền thông Trung Quốc lại rất kín tiếng về dự án mới của Mỹ. Các cuộc họp báo đối ngoại ở Bắc Kinh cũng tuyệt nhiên không nhắc tới sáng kiến này,  

Tuy nhiên, trong một bài xã luận, tờ Hoàn cầu Thời báo khẳng định BDN sẽ thất bại nếu mục tiêu của Mỹ "gửi gắm" vào dự án này là gây chia rẽ và buộc các nước phải chọn phe. 

Ở một bài xã luận gay gắt khác, tờ này lập luận khẳng định sáng kiến trên sẽ được ghi nhận là câu chuyện đáng xấu hổ trong lịch sử quan hệ quốc tế. 

Tuy nhiên, chuyên gia về Trung Quốc Bates Gill cho rằng bất chấp các hoài nghi, vẫn còn quá sớm để dự đoán các tác động của BDN chứ chưa nói tới tham vọng của sáng kiến này. 

"Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải chờ xem sáng kiến này thực sự sẽ đạt được điều gì", ông này khẳng định. 

Song Hy

Tin mới