Hải quân Mỹ thông báo, họ đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay và tàu đổ bộ tới vùng biển ngoài khơi Israel để thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền Tel Aviv trong cuộc chiến chống Hamas, cũng như răn đe các nhóm vũ trang thân Iran ở Trung Đông, trong đó nhóm Hezbollah ở Lebanon được xem là mối đe dọa lớn nhất.
Tuần trước, thủ lĩnh Hezbollah, ông Hassan Nasrallah tuyên bố lực lượng này không sợ và đã chuẩn bị các biện pháp sẵn sàng đối phó. "Chúng tôi luôn để ngỏ mọi lựa chọn trên mặt trận Lebanon", ông nói thêm.
Mối đe dọa đối với hạm đội Mỹ
Theo các chuyên gia phân tích, “biện pháp đối phó” mà ông Nasrallah đề cập đến là kho vũ khí của Hezbollah, trong đó có tên lửa chống hạm siêu vượt âm P-800 Yakhont do Nga phát triển với tầm bắn 300 km.
Các nhà phân tích quân sự tin rằng, Hezbollah đang sở hữu một số lượng lớn tên lửa Yakhont của Syria. Năm 2007, Damascus đặt mua tổ hợp Bastion-P trang bị tên lửa Yakhont do Nga sản xuất, các quan chức Nga sau đó cũng xác nhận có ít nhất hai hệ thống Bastion-P với 72 quả đạn đã được chuyển giao cho Syria.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận về thông tin Hezbollah đang sở hữu tên lửa siêu thanh Yakhont, phía Hezbollah cũng chưa bao giờ xác nhận việc sở hữu vũ khí này.
Hạm đội hải quân Mỹ.
Hezbollah coi tàu chiến Mỹ là mối đe dọa trực tiếp vì nguy cơ hạm đội này có thể phóng tên lửa tầm xa tấn công vào các vị trí của lực lượng này và các đồng minh của họ ở Trung Đông.
Trong khi đó, Mỹ khẳng định việc triển khai lực lượng hải quân đến Địa Trung Hải, bao gồm hai tàu sân bay và các tàu hỗ trợ nhằm ngăn xung đột lan rộng bằng cách ngăn chặn Iran, quốc gia ủng hộ các nhóm Hamas, Hezbollah và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine.
Các chuyên gia quân sự cho biết, năng lực chống hạm của Hezbollah đã phát triển vượt bậc kể từ năm 2006, khi nhóm vũ trang này phóng tên lửa làm hư hại tàu hộ vệ INS Hanit, soái hạm của hải quân Israel khi nó đang hoạt động ở vùng biển Địa Trung Hải.
Một nguồn tin tình báo phương Tây cho biết, “Hezbollah có tên lửa Yakhont và nhiều loại vũ khí khác”, đồng thời nói thêm rằng nếu Hezbollah sử dụng tên lửa chống hạm siêu thanh chống lại các tàu chiến của đối phương, sẽ khiến xung đột ở dải Gaza bùng phát thành một cuộc chiến quy mô lớn trong khu vực.
Các quan chức Mỹ cho biết, Hezbollah đã chế tạo được một loạt vũ khí nguy hiểm, trong đó có tên lửa chống hạm. “Chúng tôi rất chú ý đến vấn đề này và rất cẩn thận với khả năng của họ”, một quan chức quân sự Mỹ cảnh báo.
Tên lửa Yakhont và ống chứa kiêm bệ phóng.
Những vũ khí quan trọng của Hezbollah
Yakhont là phiên bản xuất khẩu của tên lửa P-800 Oniks, có tầm bắn 300km, tốc độ hành trình 3.200km/h, sử dụng đầu đạn nổ bán xuyên giáp nặng 200kg. Tên lửa có thể phóng từ trên không, mặt đất hoặc từ tàu ngầm, có khả năng bay ở độ cao 10-15m so với mực nước biển để hạn chế nguy cơ bị radar phát hiện và rút ngắn thời gian phản ứng của đối phương.
Mẫu tên lửa nguyên bản được thiết kế để tiêu diệt tàu sân bay và tàu chiến cỡ lớn, được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và kích hoạt đầu dò radar chủ động ở giai đoạn cuối để tấn công mục tiêu chính xác hơn.
Nga đã sử dụng loại vũ khí này để tấn công các mục tiêu của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria vào cuối năm 2016, cũng như tấn công các mục tiêu chiến lược ở Ukraine trong suốt hơn 20 tháng xung đột.
Khi được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất, tên lửa P-800 Oniks có thể sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS để tấn công các vị trí cố định trên bản đồ hoặc sử dụng radar để bắt các mục tiêu có độ tương phản cao so với môi trường xung quanh.
Hezbollah đã giao chiến với quân đội Israel tại biên giới Lebanon kể từ ngày 8/10, đánh dấu tình trạng leo thang nghiêm trọng nhất ở khu vực này kể từ cuộc chiến năm 2006. Tuy nhiên, Hezbollah mới chỉ sử dụng một phần rất nhỏ kho vũ khí của họ và các cuộc đụng độ đến nay mới chỉ diễn ra ở khu vực biên giới.
Tên lửa Kornet của Hezbollah.
Ông Nasser Qandil, nhà phân tích chính trị người Lebanon cho rằng, tên lửa Yakhont là “phần thưởng quan trọng nhất” của nhóm vũ trang này sau khi họ tham gia vào cuộc nội chiến ở Syria và góp phần giúp đỡ quân đội chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad lật ngược tình thế chống lại các nhóm phiến quân.
Hezbollah luôn giữ bí mật về nguồn gốc và các loại vũ khí có trong kho của mình. Trong một bình luận hiếm hoi về chủ đề này vào năm 2021, ông Nasrallah tiết lộ, Hezbollah sở hữu nhiều tên lửa dẫn đường chống tăng Kornet do Nga sản xuất thông qua Syria. Ông nói thêm “Bộ Quốc phòng Syria đã mua loại tên lửa chống tăng này để sử dụng và Hezbollah đã nhận được một phần trong đó để hỗ trợ phòng thủ Lebanon”. Hezbollah đã sử dụng loại vũ khí này rộng rãi trong cuộc chiến năm 2006 với Israel.