Hôm 23/5, Belarus điều tiêm kích, yêu cầu máy bay của hãng hàng không Ryanair chở nhà báo đối lập Raman Pratasevich hạ cánh.
EU lên tiếng gay gắt về vụ việc, cáo buộc Belarus có hành động “không tặc” và áp dụng loạt biện pháp trừng phạt. Mỹ có quan điểm tương tự, cảnh báo sẽ sớm trừng phạt Minsk.
Ngược lại, Nga gọi phản ứng ở Mỹ và châu Âu là "gây sốc", chỉ trích phương Tây áp đặt tiêu chuẩn kép với Belarus. Thậm chí, Nga đã từ chối cho máy bay của EU quá cảnh không phận để tránh đi vào bầu trời của Belarus - một hành động chỉ rõ thái độ bênh vực không kiêng dè của Matxcơva với Minsk.
Quan hệ thân tình Nga - Belarus
Chia sẻ với VTC News về nhận định Nga đang "bênh" Belarus vụ Minsk ép máy bay hạ cánh, GS. TS Nguyễn Cảnh Toàn, chuyên gia lâu năm về Nga và Liên Xô cho biết Nga và Belarus từ lâu đã là đối tác thân thiết trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự.
Nga và các quốc gia hậu Xô Viết khác đại diện cho một thị trường bán hàng cực kỳ quan trọng đối với Belarus và là nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho Belarus.
GS. TS Nguyễn Cảnh Toàn, chuyên gia lâu năm về Nga và Liên Xô. (Ảnh: NVCC)
Matxcơva hiện có hai cơ sở quân sự đóng nằm trên lãnh thổ của Belarus và là nhà cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự lớn nhất và hiện đại nhất cho quân đội Belarus
Trong những năm gần đây, Nga đã và đang tăng cường đều đặn sức mạnh và ảnh hưởng của mình đối với quốc gia láng giềng. Đối với Minsk, Matxcơva là đối tác kinh tế, chính trị mạnh mẽ, ủng hộ Lukashenko trong suốt 27 năm ông cầm quyền.
Với Nga, Belarus giúp Matxcơva mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị trong khu vực, đồng thời là bức tường thành chống lại ý định tiếp cận với các nước Liên Xô cũ, chẳng hạn như Ukraine của EU.
Matxcơva cũng thiên về sự ổn định và dễ đoán định. Việc một lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm như ông Lukashenko nắm quyền với Tổng thống Putin sẽ là một lựa chọn ổn hơn so với việc thay đổi chế độ.
Trong khi quan hệ giữa Nga với phương Tây âm ỉ căng thẳng nhiều thập kỷ qua, EU và Mỹ vẫn luôn tìm cách lôi kéo Belarus, đưa Minsk dần xa rời Matxcơva. Nhưng các chính sách của EU đối với Belarus và cá nhân ông Lukashenko sau cuộc bầu cử tổng thống nhiều tranh cãi tháng 8/2020 lại đi ngược với mục tiêu này.
EU kêu gọi ông Lukashenko tổ chức bầu cử lại hoặc rời khỏi cương vị quyền lực, đồng thời áp đặt thêm áp các lệnh trừng phạt vào nhà lãnh đạo Belarus.
Vừa phải đối phó với phe đối lập trong nước, vừa chịu áp lực từ EU, Belarus không còn cách nào khác phải xích lại gần Nga để đối chọi với châu Âu và bình ổn tình hình trong nước.
Chuyến thăm Nga của ông Lukashenko tháng 9/2020 và việc Nga cho Belarus vay 1,5 tỷ USD cùng cam kết thúc đẩy thương mại song phương là minh chứng cho thấy Matxcơva sẵn sàng ủng hộ Minsk trong bối cảnh hàng loạt các cuộc biểu tình kêu gọi ông Lukashenko từ chức.
"Nhờ quan hệ đồng minh chiến lược chặt chẽ với Nga, Belarus nhỏ bé trở thành quốc gia mạnh về quân sự và an ninh và là đối tác thương mại nước ngoài lớn thứ tư của nước Nga. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Belarus và Nga không ngừng phát triển và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược của họ. Điều đó cắt nghĩa vì sao Nga và Belarus luôn xích lại gần nhau, ủng hộ lẫn nhau các vấn đề của mỗi nước và trên chính trường quốc tế", Giáo sư Toàn phân tích.
Về tuyên bố của các nước EU chỉ trích Belarus có hành vi không tặc, ông Toàn cho rằng Mỹ và các nước phương Tây đang áp dụng "tiêu chuẩn kép" khi chỉ trích ông Lukashenko.
"Một chuyến bay khác khi đang trong hành trình Minsk - Istanbul cũng từng bị ép hạ cánh khẩn cấp xuống Kiev hồi năm 2020 để bắt giữ "một nhóm lính đánh thuê người Nga" ngay trước thềm bầu cử Belarus. Nga cáo buộc tình báo Ukraine và Mỹ (CIA) đứng sau vụ việc này. Năm 2013, Mỹ từng yêu cầu NATO chặn chuyên cơ của Tổng thống Bolivia Evo Morales khi máy bay đang ở Matxcơva vì nghi ông Evo Morale có ý định chở theo cựu nhân viên của CIA (Mỹ) Edward Snowden", ông Toàn lấy dẫn chứng.
Theo vị giáo sư, không hiếm khi cơ quan tình báo các nước bắt máy bay hạ cánh khẩn để bắt giữ các cá nhân họ truy lùng. Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran đều từng làm như vậy.
Từ đầu tuần, EU áp hàng loạt các biện pháp trừng phạt lên Belarus. Nhưng ông Toàn cho rằng đây chỉ là đòn "nắn gân" của EU. Theo vị giáo sư, khi các đòn trừng phạt trong quá khứ không hiệu quả, EU dường như đang "cố đấm ăn xôi" với lệnh trừng phạt "cho có" mới đây.
Ông Toàn dự đoán, cục diện Nga-Mỹ-EU-Belarus sẽ không thay đổi lớn sau vụ Belarus ép máy bay hạ cánh.
"Mối quan hệ vẫn sẽ như vậy, không tốt lên mà cũng chẳng xấu đi tới mức tan vỡ. Sự trừng phạt Belarus sắp tới của EU thực chất muốn nhắm vào Nga, nắn gân Belarus trong quan hệ đồng minh chiến lược với Nga. Tôi tin EU khó có thể khuất phục được Lukashenko vốn luôn có véc-tơ hướng về Nga", ông Toàn phân tích.
Giáo sư nhận định dù hợp tác toàn diện với Nga vẫn là hướng chủ đạo, Belarus sẽ không từ chối cơ hợp tác với Mỹ và EU.
"Vụ việc mới đây không chặt đứt hoàn toàn khả năng Mỹ và Belarus hợp tác với nhau về dầu khí, có chăng chỉ là sự chậm trễ. Chậm trễ bao lâu nữa tùy thuộc thái độ của Mỹ, Nga đối với Belarus. Hợp tác với Nga là ưu tiên số một nhưng Belarus còn hợp tác đa phương, trong đó có Mỹ", ông Toàn cho hay.
Nga ‘bật đèn xanh’ vụ ép máy bay hạ cánh?
Với các chuyên gia quốc tế, một trong các vấn đề gây tranh cãi nhất là việc có hay không Nga "bật đèn xanh" cho Belarus trước vụ việc hôm 23/5.
Một số chuyên gia tin rằng Belarus đã phím trước và được Nga "bật đèn xanh" trước khi có hành động mà EU chỉ trích là liều lĩnh này.
Tổng thống Putin và người đồng cấp Belarus Lukashenko. (Ảnh: AP)
"Ông Lukashenko đang phụ thuộc hoàn toàn vào Tổng thống Putin để duy trì nhiệm kỳ và sẽ không mạo hiểm mối quan hệ của mình với Điện Kremlin bằng cách thực hiện một động thái như vậy trừ khi ông ấy được ông Putin bật đèn xanh", Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao tại Bluebay Asset Management cho hay.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Ben Sasse có đồng quan điểm. Ông này cho rằng Belarus sẽ chẳng dám "động thủ" nếu không nhận được cái gật đầu trước từ Matxcơva. Vị nghị sỹ Mỹ từ đó kêu gọi trừng phạt Nga.
Nhưng phe đối lập Belarus kêu gọi các chính phủ phương Tây tập trung vào Minsk chứ không phải Matxcơva, nhấn mạnh không nên coi "ông Lukashenko là con rối của ông Putin".
"Lukashenko chẳng nghe theo bất cứ ai. Ông ta là người không thể đoán trước được", Franak Viacorka, cố vấn cấp cao của thủ lĩnh đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya cho hay.
"Tôi tin rằng Lukashenko đã hành động một mình, không có sự tham gia của Nga. Tuy nhiên, Nga là người đảm bảo chính trị cho Lukashenko và sẽ tiếp tục bảo vệ ông ấy", Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty tư vấn chính trị R.Politik chia sẻ chung quan điểm.
Về phần mình, Nga bác bỏ cáo buộc nói nước này có liên quan tới vụ Belarus ép máy bay hạ cánh.
Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc đưa ra các tuyên bố của Điện Kremlin khiến nhiều người bất ngờ.
Hôm 24/5, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri S. Peskov nói ông không thể bình luận về vụ việc. Một ngày sau, Nga mới đưa ra thông điệp cuối cùng của mình, theo đó khẩng định hành động của Belarus là "phù hợp với các quy định quốc tế".
Belarus là một quốc gia với chỉ 9,5 triệu dân, nhưng đối với Nga, đây là một đồng minh cực kỳ quan trọng. Trong thế giới quan của Tổng thống Putin, Belarus là "quốc gia đệm" thân thiết cuối cùng còn sót lại giữa Nga và phương Tây.
Bản thân ông Lukashenko cũng nhận ra vai trò đặc biệt của mình. Trong nhiều năm qua, ông tận dụng điều đó, yêu cầu Nga cung cấp dầu, khí đốt giá rẻ.
Tuy nhiên, các phức tạp thường xuyên nảy sinh trong quan hệ giữa các nước, đặc biệt quan hệ kinh tế, nhất là vấn đề dầu khí.
Năm 2010, quan hệ giữa Matxcơva và Minsk xuống mức thấp chưa từng có khi hai bên tranh cãi về giá xăng và sữa nhập khẩu. Cuối năm 2019, vài tháng sau khi Nga và Belarus không thể đi đến một thỏa thuận về giá dầu thô, Belarus đặt lô dầu thô đầu tiên từ Mỹ, bắt đầu xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với châu Âu và Washington.
Ông Lukashenko cũng chưa công nhận việc Nga sáp nhập Crưm là hợp pháp, điều mà người Nga coi là thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng của ông Putin.
"Là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng Matxcơva có thể búng tay giải quyết các vấn đề của mình ở Minsk. Lukashenko vẫn đang tránh phụ thuộc vào Matxcơva bằng mọi cách có thể", Pavel Slunkin, một cựu quan chức ngoại giao Belarus cho hay.
Nhưng khi quan hệ giữa Belarus và phương Tây chưa tiến thêm được bao xa, các cuộc biểu tình phản đối ông Lukashenko hậu bầu cử nổ ra vào tháng 8/2020.
Tác động của lệnh trừng phạt rất nhỏ
Kịch bản Belarus thân thiện hơn với phương Tây càng xa vời sau vụ Minsk ép máy bay Ryanair hạ cánh.
Từ đầu tuần, EU cấm các chuyến bay quá cảnh nước này, cấm các hàng hàng không Belarus sử dụng không phận hoặc sân bay các quốc gia thành viên EU. Các lãnh đạo của Liên minh châu Âu cũng đang thảo luận về việc đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, bao gồm kế hoạch nhắm vào ngành công nghiệp kali của quốc gia Đông Âu.
Nhưng Matthew Sherwood, nhà phân tích cấp cao về châu Âu cho rằng tác động của các động thái trừng phạt này là rất nhỏ với nền chính trị Belarus.
Phương Tây cáo buộc Nga "bật đèn xanh" cho Belarus trong vụ ép máy bay hạ cánh, bắt nhà báo đối lập. (Ảnh: AP)
"Gần đây nhất, EU áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt sau cuộc bầu cử tháng 8/2020. Nhưng với sự hỗ trợ kinh tế và chính trị liên tục của Nga, ông Lukashenko và các đồng minh thành công trong việc giảm nhiệt phong trào đối lập trong nước. Các cuộc biểu tình cũng hạ nhiệt", ông này nói.
"Chúng tôi không kỳ vọng một làn sóng trừng phạt mới của phương Tây sẽ có thêm bất kỳ tác động thực sự nào đến tình hình Belarus. Chúng có khả năng khiến Belarus xích lại gần hơn với Nga", Sherwood nhận định.
Đồng quan điểm, Emre Peker, giám đốc khu vực châu Âu của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định vụ Belarus ép máy bay hạ cánh có lợi cho Nga vì đẩy Belarus tới gần Matxcơva hơn.
"Tổng thống Puitn có thể sẽ hoan nghênh vụ việc như một diễn mới khiến quan hệ giữa Belarus và phương Tây ngày càng nguội lạnh. Trong khi đó, các cáo buộc về sự can dự của Nga sẽ làm phức tạp thêm khả năng của EU trong việc đáp trả hiệu quả với Belarus", ông này chia sẻ.
Chuyên gia về Nga Fiona Hill thuộc Viện Brookings phân tích khi EU đẩy mạnh trừng phạt nhằm vào Belarus, Minsk sẽ không còn cách nào khác ngoài việc cầu viện Nga.
Các đối thủ của ông Lukashenko đang thúc giục Mỹ và châu Âu ban hành thêm các biện pháp trừng phạt đối với Belarus trong nỗ lực khiến ông Lukashenko trở nên cô lập hơn và gây chia rẽ trong giới tinh hoa Belarus.
Hồi đầu tuần, bà Svetlana Tikhanovskaya - thủ lĩnh phe đối lập Belarus có cuộc điện đàm gần 40 phút với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan.
Bà Franak Viacorka, cố vấn của bà Tikhanovskaya lo ngại việc tập trung vào vai trò của Nga trong vụ việc mới đây có thể làm phân tán sự chú ý khỏi chiến dịch gây áp lực lớn hơn lên ông Lukashenko.
“Hãy tách riêng hai vấn đề, Nga và Belarus. Nếu nói về Nga trong bối cảnh Belarus, chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề”, bà Viacorka cho hay.
Cũng theo bà Viacorka, vấn đề hiện tại không còn là của riêng Belarus mà còn là vấn đề an ninh của châu Âu.
Có cùng quan điểm, ông Timothy Ash đánh giá vụ việc là một phép thử đối với EU và phương Tây.
“Đây là một cuộc tấn công trực diện nhằm vào EU khi một máy bay của EU, bay giữa hai thủ đô của hai nước EU bị ép di chuyển theo lệnh Belarus", ông Timothy phân tích.
Cựu Đại sứ Anh tại Belarus Nigel Gould-Davies nhận định nhiều nước, đặc biệt là Nga sẽ theo dõi sát sao trước các động thái tới đây của EU.
Theo cây viết Andrew Roth của Guardian, cả Minsk và Matxcơva sẽ xem liệu liên minh châu Âu sẽ mạnh tay đến đâu trong các lệnh trừng phạt để đánh giá mức độ sẵn sàng của khối này trong việc trừng phạt các quốc gia sẵn sàng đối đầu với EU để trừng phạt các tiếng nói bất đồng chính kiến trong nước.