Mới đây, thông tin con trai út của Tổng thống Joko Widodo, Kaesang Pangarep vừa trải qua cuộc chia tay tồi tệ với người bạn gái 5 năm Felicia Chew đã khiến mạng xã hội nước này dậy sóng và bàn tán không ngừng, theo South China Morning Post.
Chew là một người Hoa đến từ Singapore.
Dân mạng bàn tán xôn xao về những phát ngôn của mẹ Felicia, bà Meilia Lau, cho rằng Kaesang, 26 tuổi hẹn hò với con gái bà tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore nhưng lại “bỏ rơi” cô vào đầu năm nay và quan lại với một cựu nhân viên.
Kaesang từng theo học Trường Anglo-Chinese School (International) ở Singapore trước khi lấy bằng, và hiện là giám đốc điều hành của một loạt doanh nghiệp ở Indonesia.
Bà Lau khẳng định mình có bằng chứng rằng Kaesang đã cầu hôn con gái bà và lên kế hoạch kết hôn vào tháng 12/2020, trước khi biến mất và phớt lờ mọi nỗ lực liên lạc.
Đầu tháng 3, Kaesang cho biết anh đã nói với Felicia vào tháng 1 rằng mối quan hệ của họ đã kết thúc nhưng cô ấy lại phản đối.
Felicia Chew và Kaesang Pangarep khi còn hạnh phúc bên nhau. (Ảnh: Instagram)
South China Morning Post nhận định chưa bao giờ đời tư của một thành viên trong gia đình tổng thống lại được công chúng quan tâm đến vậy ở Indonesia. Đáng chú ý hơn, Kaesang là một người Java theo đạo Hồi và Felicia là một người theo đạo Cơ Đốc.
Họ còn là một trong số ít các cặp đôi nổi tiếng cởi mở về mối quan hệ liên sắc tộc và tín ngưỡng, tại một đất nước mà những mối quan hệ như vậy vẫn khiến người ta băn khoăn.
Ông Widodo, hay còn được gọi là Jokowi, không phản đối mối quan hệ của con trai mình với Felicia. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2014, ông đã đề cao sự đoàn kết dân tộc ở Indonesia, một trong những quốc gia đa sắc tộc và văn hóa nhất thế giới, nơi sinh sống của 270 triệu người.
“Cá nhân tôi rất đau lòng trước thông tin này. Tôi từng hy vọng rằng nếu thành vợ chồng, Kaesang và Felicia sẽ là biểu tượng cho sự đa nguyên, chứng minh tình yêu cuối cùng cũng chiến thắng”, theo Vivid Sambas, một chuyên gia 46 tuổi, người đã viết bài luận về các mối quan hệ giữa liên sắc tộc có tựa đề Love That Tears Down Barriers trong tuyển tập Narasi Memori Tionghoa (Ký ức về người Trung Quốc và Indonesia).
Ratya Mardika Tata Koesoema, 40 tuổi, Chủ tịch Ganaspati, một tổ chức của Indonesia ủng hộ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa đa nguyên, đồng ý rằng khác biệt sắc tộc trong mối quan hệ này chính là điểm hấp dẫn.
Ở Indonesia, hiếm khi có một người đàn ông Java theo đạo Hồi có quan hệ tình cảm với một phụ nữ người Hoa không theo đạo Hồi.
Số liệu thống kê cho thấy có rất ít các cuộc hôn nhân khác cả chủng tộc và tín ngưỡng ở Indonesia. Dữ liệu thu thập trong cuộc điều tra dân số năm 2000 cho thấy chỉ khoảng 1% người Hồi giáo Indonesia kết hôn với người ngoài tín ngưỡng. Trong khi các cuộc hôn nhân khác tín ngưỡng về cơ bản là hợp pháp, trên thực tế, văn phòng đăng ký sẽ không công nhận điều này nếu cặp đôi chưa tổ chức nghi lễ tôn giáo. Tuy nhiên, hầu hết giáo sĩ sẽ từ chối tổ chức hôn lễ với các cặp vợ chồng như vậy.
Cuộc chia tay của Kaesang với Felicia vẫn chưa phải là câu chuyện kịch tính nhất về gia đình các tổng thống Indonesia. Năm 2006, Bambang Trihatmodjo, con trai thứ ba của cố Tổng thống Suharto, đã bị vợ và con trai cùng với một số vệ sĩ đến đánh ghen ở nơi ông sốngg cùng với người tình, nữ ca sĩ Mayangsari. Con trai của Trihatmodjo cuối cùng đã đấm cha mình vì phản bội mẹ.
Tuy nhiên, việc đó xảy ra trước khi mạng xã hội phát triển nên không gây "bão" như sự việc lần này. Lần này, chính mẹ của Felicia đã đăng tin về việc chia tay của con gái mình trên Instagram cá nhân, bà không chỉ công khai thể hiện sự tức giận đối với Kaesang mà còn gắn thẻ cả ông Jokowi trong bài đăng đó.
Bà Lau dường như không bỏ qua chi tiết nào và không tôn trọng tổng thống, thể hiện thái độ thách thức khiến nhiều người Indonesia bị sốc. Dân mạng xã hội chỉ trích bà là người thô lỗ và hành động bộc phát, bởi hy vọng được làm thông gia với gia đình tổng thống đã bị tiêu tan.
Felicia và Kaesang chụp hình cùng bố mẹ Kaesang, ông Jokowi và bà Iriana, trong một bức ảnh do bà Lau đăng trên Instagram cá nhân. (Ảnh: Instagram)
Nhưng Grace Suryani Halim, một tiểu thuyết gia người Indonesia gốc Hoa 37 tuổi, lớn lên ở Jakarta và hiện sống ở Singapore, lại có quan điểm khác về vấn đề này.
“Người Indonesia gốc Hoa luôn được dạy phải lưu tâm đến vị trí của họ trong xã hội và chấp nhận số phận của mình. Đây là lý do tại sao họ coi im lặng chính là vàng”, cô nói. “Nhưng gia đình của Felicia đến từ Singapore. Ở đây người Hoa chiếm đa số và không bị điều tiếng gây ảnh hưởng. Có lẽ đây là lý do tại sao người Indonesia lại ngạc nhiên khi thấy một người Hoa lên tiếng và hành xử theo cách quyết liệt hơn họ nghĩ”, cô giải thích thêm.
Halim tin rằng sự khác biệt về quan điểm và truyền thống văn hóa có thể là nguyên nhân của cuộc chia tay lộn xộn giữa Kaesang và Felicia: “Người Hoa quan tâm đến mian zi (bộ mặt) và nếu đúng là Kaesang đã bỏ rơi Felicia và kết thúc mối quan hệ của họ một cách không chính đáng, thì anh ấy đã không giữ thể diện cho gia đình cô ấy. Nếu đúng là anh ấy đã hứa cưới cô ấy trước bàn thờ gia tiên, thì việc anh ấy phá bỏ lời hứa đó khá tệ".
Freddy Istanto, một học giả tại Đại học Ciputra Surabaya và là chủ tịch của Hiệp hội Di sản Surabaya, cho biết truyền thống cưới xin của người Java là trưng bày những chiếc lá dừa được gấp cầu kỳ gọi là janur ở bên ngoài nhà của các cặp đôi sắp cưới.
"Người Java có một câu nói rằng 'chừng nào không thấy janur, thì chưa phải là chính thức'. Có lẽ đây là điều mà Kaesang thực sự tin tưởng", ông nói.
Nhiều suy đoán cho rằng cuộc chia tay có yếu tố chính trị, bởi ông Jokowi sẽ tính sao nếu có một cô con dâu gốc Hoa, không theo đạo Hồi. Đặc biệt là khi con trai cả của ông, Ghibran Rakabuming, và con rể Bobby Nasution cũng tham gia chính trường.
Rakabuming gần đây đã được bầu làm thị trưởng của thành phố Solo. Anh kết hôn với cô Selvi Ananda Putri vào năm 2015, một người phụ nữ Java theo đạo Cơ Đốc nhưng đã chuyển sang đạo Hồi trước khi lấy chồng.
Lòng trung thành của tổng thống từ lâu đã bị các kẻ thù chính trị, đặc biệt là người Hồi giáo bảo thủ, đặt nghi vấn và ông đã phải cố gắng rất nhiều để tránh bị nói là chống đạo Hồi trong quá khứ, thậm chí còn tuyên bố trong bài phát biểu năm 2018 rằng không ai nên nghi ngờ việc ông ấy "ủng hộ Hồi giáo".
Truyền thống Hồi giáo thường quy định rằng một người đàn ông Hồi giáo có thể kết hôn với một phụ nữ Do Thái hoặc Cơ Đốc giáo vì họ là Dân tộc của Sách (People of the Book), nhưng Hội đồng Ulema Indonesia, cơ quan Hồi giáo cao nhất của nước này, đã ra phán quyết cấm những cuộc hôn nhân như vậy vào năm 1980.
Anh cả của Felicia, Daryl Chew, đã ám chỉ rằng em gái mình bị lợi dụng như một quân cờ.
Tổng tống Indonesian, ông Joko Widodo. (Ảnh: Reuters)
Mặc dù một số người đã đặt câu hỏi về thời điểm chia tay - coi đó là động thái rõ ràng của ông Jokowi nhằm tách mình khỏi chủ nghĩa đa nguyên khi đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng mạnh mẽ từ các đối thủ người Hồi giáo.
Sau tất cả, câu chuyện nêu bật sự khó dung hòa giữa các chủng tộc và các sắc tộc ở Indonesia, đồng thời chỉ ra sự thiếu hiểu biết văn hóa ở một quốc gia nơi người dân tộc Hoa chiếm chưa đầy 2% dân số, South China Morning Post nhận định.
Học giả Freddy Istanto nói thêm: “Cả hai bên cần phải tìm hiểu về phong tục và văn hóa của nhau. Điều này là thứ không thể bị ép buộc hay thiết kế sẵn, nó phải diễn ra một cách tự nhiên”.