82 tuổi lấy một chọi ba để vang danh Tiệp Khắc
Cụ Vũ Bá Quý (1912-1995, quê ở thôn Đào Du, xã Phùng Chí Kiên, huyền Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) là sáng tổ của môn phái Vũ Gia Thân Pháp. Một thân võ công bất phàm của cụ được rèn luyện qua nhiều sư phụ, từ cụ Lãnh Binh Giang (một trong các bộ tướng giỏi của Tổng đốc Hoàng Diệu) đến Tôn sư Tế Công cũng như lượm nhặt của các môn phái võ tàu, quyền Anh hay võ dân tộc thiểu số phía Bắc.
Thời trai trẻ, cụ Vũ Bá Quý cũng tham gia thi đấu và nhiều năm liền vô địch võ đài Quy Nhơn (vô địch Đông Dương). Đáng chú ý, thời ấy có võ sỹ Hồ Cưu rất mạnh nhưng khi gặp cụ Vũ Bá Quý trong một trận Chung kết cũng đã thất bại toàn diện.
Võ sư Hồ Cưu (trái) và võ sư Vũ Bá Quý ở trận Chung kết võ đài Quy Nhơn năm 1936.
Năm 1938, cụ Vũ Bá Quý vào Sài Gòn để mong giao lưu với các anh hùng hào kiệt nơi đây, hòng nâng cao trình độ võ thuật. Một trong các trận đấu nổi tiếng nhất của cụ là gặp võ sư Năm Sài Gòn.
Khi giao đấu với nhau, võ sư Năm Sài Gòn thi triển công phu rất đặc biệt, không so đòn được với cụ Vũ Bá Quý nhưng luôn tránh thoát khỏi bị hạ gục. Càng đánh, cụ Vũ Bá Quý càng khâm phục vì không sao dứt điểm được đối phương.
Sau cùng, võ sư Vũ Bá Quý cũng được xử thắng điểm. Dù vậy, ông không kiêu ngạo mà còn tới nhà đối thủ để mong được chỉ giáo về thân pháp siêu phàm nọ. Chính nhờ tiếp thu thêm thân pháp ấy, cộng vốn võ học sẵn có, võ sư Vũ Bá Quý đã đúc rút nên võ thuật cơ bản của Vũ Gia Thân Pháp.
Một giai thoại khác cũng rất kịch tính của võ sư Vũ Bá Quý là tận năm ông 82 tuổi, chỉ nặng 47kg. Năm đó, ông được mời sang Tiệp Khắc để giao lưu võ học. Vì tuổi già sức yếu, cụ Vũ Bá Quý chủ yếu chỉ muốn đàm đạo về võ học và cuộc sống. Tuy nhiên, bất ngờ có 3 võ sư Tiệp Khắc lại muốn giao đấu với cụ. Khi cụ ngỏ ý từ chối, một võ sư bản địa lại buông lời châm chọc, coi thường.
Vì bảo vệ thanh danh võ cổ truyền Việt Nam, cụ Vũ Bá Quý đồng ý bước ra giao đấu. Ông nhanh như chớp sử dụng bộ pháp bổn môn, kết hợp tung đòn đẩy lùi 3 võ sĩ Tiệp Khắc có trọng lượng gấp đôi mình. Sau trận đấu ấy, báo chí Tiệp Khắc hết lời ca ngợi võ sư Vũ Bá Quý.
Cái đặt tay nhanh như chớp của vị đại ca kiến giang hồ phải nể
Võ sư Nguyễn Tiến Mỹ là một trong các học trò cưng của cụ Vũ Bá Quý, được ông chọn làm Chưởng môn thay mình tại Vũ Gia Thân Pháp. Trên thực tế, năm 1982, chính võ sư Nguyễn Tiến Mỹ là người hiến kế cho thầy thành lập môn phái.
Khi lên kế hoạch mở võ đường để thu nhận môn sinh, võ sư Nguyễn Tiến Mỹ lo lắng có thể bị người đến phá hoại. Vì thế, ông quyết định trước đó sẽ chủ động đi giao lưu với giang hồ hào kiệt Hà Thành, hòng lấy danh tiếng để dễ dàng mở võ đường sau này.
Võ sư Nguyễn Tiến Mỹ.
Tuy nhiên, phương châm của võ sư Nguyễn Tiến Mỹ không phải thô bạo thách đấu mà đầy lễ nghĩa, mong muốn được "đóng cửa bảo nhau" với các đồng đạo giang hồ, để tránh tổn thương nghĩa khí và thân thể.
Trùng hợp, giai đoạn đó cũng có nhiều võ sư miền Trung ra Hà Thành xin giao lưu. Thậm chí một võ sư Nam Bộ cũng đến góp vui, và có chiến tích thắng lợi khi đi qua 21 võ đường. Võ sư này sau đó đã đụng độ võ sư Nguyễn Tiến Mỹ.
Sử dụng công phu bản môn, không hoa mỹ nhưng giỏi về tránh né và kiểm soát đối thủ, võ sư Nguyễn Tiến Mỹ để mặc đối thủ ra đòn, rồi tung những bộ pháp xoay người để tiếp cận, sau đó đánh hỏng trọng tâm đối phương, kê tay - chân không cho địch thủ ra đòn. Với lối đánh khống chế sít sao ấy, cuối cùng ông đã khiến vị võ sư Nam Bộ phải nhận thua tâm phục, khẩu phục.
Võ sư Nguyễn Tiến Mỹ trong một lần thị phạm võ công cho môn đệ.
Lối đánh lãng tử, hào hoa nhưng võ sư Nguyễn Tiến Mỹ cũng sở hữu cái uy cực lớn. Tương truyền, trong một lần hội tụ anh hùng hào kiệt để đàm đạo võ học, một vị võ sư bỗng nhiên nổi giận, đập vỡ đít chai thủy tinh định uy hiếp. Nhanh như cắt, võ sư Nguyễn Tiến Mỹ lật tay, tì lên tay đối thủ để khống chế. Sau đó, chỉ bằng vài lớn ngắn gọn, kết hợp đòn tay trước đó, ông đã khiến đối phương phải hạ hỏa, rồi cuối cùng đôi bên kết thúc mâu thuẫn bằng cái bắt tay hảo hữu.
Không nhiều người biết, một thời võ sư Nguyễn Tiến Mỹ là dân anh chị, đại ca trong xã hội. Tuy nhiên, ông không phải dân "xã hội đen" làm việc xấu mà là bậc đại ca được trọng vọng nhờ lối kết giao rộng rãi, phóng khoáng.
Trong các mối quan hệ của mình, võ sư Nguyễn Tiến Mỹ không trọng sang khinh nghèo, không coi rẻ đối phương vì xuất thân, quá khứ mà đều nhất mực lấy lễ đối đáp. Chính vì thế, đáp lại ông cũng được mọi người kính trọng, tạo nên uy tín trong giới giang hồ Hà Thành.