Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vợ ngư dân Bình Thuận: 'Mong đưa anh về với gia đình, ở ngoài biển lạnh lẽo lắm'

(VTC News) -

Mấy ngày nay, con ngõ nhỏ ở phường Phú Tài (TP Phan Thiết) thỉnh thoảng lại vang lên tiếng mẹ khóc con, vợ trẻ khóc chồng, con khóc cha nghe ai oán, não nề.

Giữa trưa 22/7, sau khi nhận được tin thêm 5 ngư dân Bình Thuận được cứu sống, phóng viên VTC News vượt gần 100km về phường Phú Tài (TP Phan Thiết), nơi người dân vẫn gọi với cái tên quen thuộc "xóm biển nghèo".

Con đường nhỏ dẫn vào nhà các ngư dân gặp nạn như phủ một màu u ám, buồn đến buốt lòng. Trong số 15 thuyền viên gặp nạn, 4 người đã về nhà, 5 người đang trên hành trình về đất liền, còn lại 6 người có thể đã nằm lại dưới những con sóng.

Mấy ngày nay, người dân trong khu phố thay nhau đến để hỏi thăm, động viên, chia sẻ với người thân của các thuyền viên. Đâu đó thỉnh thoảng tiếng vợ trẻ khóc chồng, con thơ khóc cha lại vang lên nghe ai oán, não nề. 

Bà Trần Thị Hồng, mẹ ngư dân Lê Văn Thanh từ khi nhận tin con trai mất tích, thỉnh thoảng bà lại đưa tay đấm ngực thuỳnh thuỵch, khóc lên từng hồi.

Nhà ngư dân Lê Văn Thanh (SN 1984, ở KP3, phường Phú Tài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) mấy ngày nay không ngớt những lời hỏi han: "Tìm được thằng Thanh chưa? Nó còn sống không?". Còn người nhà của anh Thanh thì khóc hết nước mắt khi nghe tin báo về.

Thấy có khách vào nhà hỏi thăm, anh Hiển (người nhà ngư dân Lê Văn Thanh) nói nhỏ: "Người nhà có người chưa nghe tin anh Thanh mất nên anh hỏi nhỏ nhỏ thôi". 

Bà Trần Thị Hồng, mẹ anh Thanh có tiền sử bệnh về thần kinh nên từ khi biết tin con trai gặp nạn trên biển thì bệnh của bà tái phát, thỉnh thoảng bà lại đưa tay đấm ngực thuỳnh thuỵch và luôn miệng nói: "Thằng Thanh đi biển kiếm tiền, chết đâu mà chết".

Video: Bà Trần Thị Hồng không chấp nhận được sự thật rằng con trai đã ra đi mãi mãi

Ngồi kế bên bà Hồng là chị Trần Thị Thanh Hồng (vợ ngư dân anh Thanh) với đôi mắt sưng húp, đỏ hoe. Từ khi nghe tin chồng mất tích, chị chưa bao giờ thôi khóc. Đến lúc này, chị Hồng vẫn không thể tin nổi chồng mình một đi không trở về. 

“Đã hai ngày nay, tôi chết lặng, vô vọng gọi tên chồng. Khi ra khơi ngày nào anh cũng gọi tôi nói chuyện và hẹn là tới Chủ nhật (10/7) anh vô bờ. Thế nhưng tới Chủ nhật, đợi mãi mà không thấy chồng nên tôi liên tục gọi điện thoại nhưng không liên lạc được. Rồi mấy ngày sau tôi lại tiếp tục gọi cũng không liên lạc được, sau đó tôi nghe thông tin ghe bị chìm, chồng mất tích, tôi như chết đứng. Từ hôm anh ấy gặp nạn, tôi không thể ngủ được", chị Hồng nước mắt tuôn trào chia sẻ với PV VTC News.

Hai vợ chồng ở trọ mấy năm nay, cuộc sống luôn phụ thuộc vào anh Thanh. Hai con nhỏ được ăn học cũng là nhờ tiền đi biển của anh Thanh. Gia đình ở vùng biển nên mỗi tháng vợ gần chồng, con được vui vẻ bên cha chỉ đếm bằng đầu ngón tay.

"Chồng đi đầu tháng thì giữa tháng là về, cả nhà lại được quây quần vài ngày. Giờ đây, ngày này, tháng nọ, năm qua, vĩnh viễn tôi không còn thấy chồng sau mỗi chuyến biển, thực tế đau xót này tôi chưa thể chấp nhận”, chị Hồng nghẹn ngào chia sẻ.

Video: Vợ ngư dân Phan Văn Tám khóc nghẹn khi hay tin dữ về chồng

Rời nhà anh Thanh, đi theo tiếng khóc nỉ non văng vẳng, phóng viên đến gia đình ngư dân Phan Văn Tám (SN 1970, KP3, phường Phú Tài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Vợ anh Tám ngồi dựa cửa, khóc nấc từng hồi.

“Lúc nào tôi cũng hy vọng chồng tôi trở về, bây giờ chồng tôi mất rồi tôi không biết mình phải làm sao.

Nhà tôi có 4 người, trong đó có 3 người con gái và 1 con trai, khi anh ra khơi anh còn gọi điện thoại nhưng khi chuẩn bị vào bờ thì không liên lạc được. Tôi mong các ngành chức năng tìm thấy được chồng tôi để đưa anh trở về với gia đình, chứ ở ngoài biển lạnh lẽo lắm", vợ của ngư dân Phan Văn Tám nghẹn ngào.

Đối với gia đình anh Thanh, anh Tám và nhiều gia đình ngư dân khác, cuộc sống dựa hết vào nguồn thu nhập do những người chồng đi biển mà có. Giờ đây, trụ cột gia đình mất đi, những người phụ nữ trở nên chới với giữa cuộc đời. Những tháng ngày về sau đôi vai gầy của họ sẽ phải thay chồng gánh vác cả gia đình.

“Chồng tôi đi biển lần nào cũng giữ thói quen thường xuyên gọi điện về nói chuyện với vợ, với cháu ngoại. Trước ngày tàu cá bị chìm, ông ấy có điện thoại và nói với các cháu: 'Có cá ngon lắm để ông ngoại mang về cho mấy con ăn'. Vậy mà....”, bà Nguyễn Thị Cang vợ ngư dân Nguyễn Văn Hạ nói trong nước mắt.

Vợ anh Tám ngồi dựa cửa, khóc nấc từng hồi.

Nghề đi biển chưa bao giờ là dễ dàng đối với những ngư dân, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn phải bám biển, vẫn ngày ngày đối mặt với những hiểm nguy rình rập nơi con sóng. 

Câu nói về sự nguy hiểm, tiềm ẩn đầy rủi ro của nghề biển “lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm” đã là câu cửa miệng nhưng họ vẫn phải chấp nhận đối mặt.

“Nhiều lần tôi khuyên ba nghỉ, đừng có đi biển nữa nhưng ba tôi không đồng ý vì còn phải lo cho mẹ. Ông Trần Theo người ngồi cùng ba tôi trên chiếc thuyền thúng kể với gia đình rằng, 7 người trên thuyền thúng luôn miệng động viên nhau cố lên nhưng sau ba tôi kiệt sức dần, mọi người có cho ba uống nước mưa và bóp nát bánh ra cho ông ăn nhưng ông không ăn được”, chị Nguyễn Thị Tỵ con của ngư dân Nguyễn Văn Hạ chia sẻ.

Trong số những ngư dân được xác định đã tử vong, thuyền viên Lê Văn Mót (KP6, phường Phú Tài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) dù đã hơn 30 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình.

“Mót rất là hiền, sống với bà con trong xóm rất tốt, ai cũng yêu thương. Em Mót chưa có vợ con, đi biển từ nhỏ đến nay. Lúc chìm tàu tôi, cũng liên lạc rất nhiều với em tôi nhưng đều vô vọng, nghe tin mới vớt được chiếc thuyền thúng có 8 người nhưng trong danh sách được cứu sống không có em trai, tôi đau xé lòng”, anh Lê Văn Thuận anh ruột ngư dân Lê Văn Mót kể lại.

Với người ngư dân, mỗi lần đi biển là mỗi lần đặt cược tính mạng mình trên đầu sóng, ngọn gió. Biết bao người dân đi biển mong cho gia đình có cuộc sống ấm no nhưng cái giá phải trả đôi khi quá lớn. Người chồng ra khơi mang theo muôn vàn lời nguyện cầu bình yên của người mẹ, người vợ.

Thế nhưng rủi ro vẫn thường xuyên xảy ra, tang tóc vẫn gieo rắc khắp các vùng quê biển. Nhiều căn nhà vốn trống vắng giờ càng thêm lạnh lẽo bởi sự mất mát của người chồng, người cha. Họ ra đi, đi mãi không có ngày trở về, để lại đằng sau nỗi đau khôn nguôi cho người ở lại.

Ngày 22/7 theo thông tin từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 3, đóng tại TP Vũng Tàu, tàu Buffalo chở hàng từ Ai Cập, đến vị trí cách Nha Trang 240 hải lý về phía đông, phát hiện và cứu 5 người trên một chiếc thuyền thúng đang trôi giữa biển.

Những người được cứu cho biết, thuyền thúng trước đó có 8 thuyền viên, 3 người đã chết vì kiệt sức, phải bỏ lại trên biển.

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đang xác minh thêm thông tin, lên phương án tiếp nhận các ngư dân sống sót đưa về bờ.

Trước đó, ngày 19/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN đã nhận được tin từ Đài thông tin duyên hải Phan Thiết, thông tin một tàu cá của tỉnh Bình Định đã cứu vớt được 4 lao động trên tàu cá BTh 97478 TS bị mất liên lạc ngày 10/7.

Theo đó, lúc 13 giờ 10 phút ngày 19/7, tàu BĐ 96935 TS báo trên tần số 7903 KHz là vớt được 4 người còn sống ở trên thúng của tàu BTh 97478 TS, tại tọa độ 10o31N – 113o04E.

Thông tin các lao động bị mất liên lạc kể lại, lúc đầu trên thúng có 7 người nhưng 3 người đã tử vong trong quá trình thúng trôi dạt trên biển nên các lao động bỏ lại xuống biển.

Như vậy, sau 12 ngày tìm kiếm đã có được 9/15 thuyền viên được cứu sống, còn 6 người còn lại chưa tìm thấy thi thể.

Thiện Tâm

Tin mới