Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vỡ kênh 4.300 tỷ đồng ở Thanh Hóa: Tổng cục Thủy lợi lý giải nguyên nhân

(VTC News) -

Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi lý giải nguyên nhân sự cố vỡ kênh 4.300 tỷ đồng ở Thanh Hóa.

Sự cố vỡ kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã ở Thanh Hóa đã ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp vùng hạ lưu của tỉnh này. Ngày 5/1, Tổng cục Thủy lợi – Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo các ban ngành tỉnh Thanh Hóa vừa thông dòng kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã sau gần 10 ngày khắc phục sự cố vỡ kênh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Đồng Văn Tự (thứ 3 từ trái sang).

Trả lời VTC News, ông Đồng Văn Tự - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, sự cố vỡ kênh xảy ra rất nhiều ở Việt Nam, trường hợp kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã bị vỡ là do nguyên nhân xói ngầm.

“Vị trí vỡ kênh nằm giữa hai quả núi và phía dưới có một con khe với dòng chảy ngầm. Bên dưới khe có một lớp bùn rất sâu, nước chảy xiết sau nhiều năm sẽ gây hiện tượng xói ngầm. Nguyên nhân đó đã rất rõ và việc ứng phó với  sự cố này chúng tôi phải xử lý theo hướng đảm bảo lâu dài", ông Tự phân tích nguyên nhân.

Về phương án xử lí, ông Tự nói: “Công trình này nếu xử lý tạm sẽ không đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc. Đây là kênh nhưng phải ứng phó giống như đập, tuy nhiên, do yếu tố phải kịp thời nước tưới tiêu nên phần kênh sẽ được làm trước. Dự kiến sau 10 ngày sẽ đảm bảo an toàn kiên cố".

Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo rà soát toàn bộ tổng thể tuyến kênh này, những điểm xung yếu phải đề xuất ngay với Bộ để tránh trường hợp nguy hiểm xảy ra.

Qua khảo sát thực tế tại tuyến kênh, chuyên gia cho biết nhiều vị trí gần khu vực dân cư không có hệ thống lan can đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Thậm chí, một số vị trí trên tuyến xuất hiện tình trạng hư hỏng, nứt nẻ bề mặt bê tông khiến nhiều người lo ngại về chất lượng công trình.

Nói về chất lượng dự án, ông Tự cho hay: “Công trình được thi công đảm bảo đúng thiết kế. Những lớp bê tông theo đúng thiết kế là 12cm. Tuy nhiên, những lớp bê tông này không phải bê tông chịu lực, nó chỉ được sử dụng để đảm bảo chống xói vì lưu tốc của kênh rất lớn, chủ yếu chịu lực vẫn là thân kênh”.

Hiện trường sự cố vỡ kênh thủy lợi 4.300 tỷ đồng ở Thanh Hóa.

Ông Tự nhấn mạnh, sau sự cố, cần đánh giá lại những khiếm khuyết từ thiết kế đến thi công, bảo hành. Kênh này nghiệm thu từ 2016, đến nay cần phải đánh giá lại và có phương án bảo trì để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp này, việc cấp bách nhất hiện nay là đảm bảo an toàn cho việc cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 30.000 ha vụ chiêm xuân.

Kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 370 km, tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỉ đồng. Công trình bắt đầu xây dựng vào năm 2014 và đưa vào vận hành năm 2016, phục vụ nước tưới cho hơn 31.000 ha đất nông nghiệp. Khoảng 9h45 ngày 27/12/2020, tuyến Kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã đang vận hành tưới tiêu thì bất ngờ bị vỡ.

Thanh Tùng

Tin mới