Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thành công kháng thể (protein cơ thể sản sinh để chống lại mầm bệnh như virus) trên chuột. Họ chia sẻ kết quả trên kho dữ liệu BioRxiv hôm 12/3. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Berend-Jan Bosch, họ đang chờ thẩm duyệt từ hội đồng chuyên gia trước khi công bố phát hiện trên tạp chí Nature.
Bosch và cộng sự cho biết đây là kháng thể đơn dòng đầu tiên có thể vô hiệu hóa nCoV. Kháng thể đơn dòng là các kháng thể giống hệt nhau, được sản xuất bởi cùng một dòng tương bào. Họ cô lập kháng thể này từ trước khi xuất hiện đại dịch.
Giáo sư Frank Grosveld, thành viên nhóm nghiên cứu. (Ảnh: Deccan Chronicle)
Nhóm nghiên cứu ở Đại học Utrect tham gia dự án của châu Âu mang tên ZAPI (Sáng kiến dự đoán và chuẩn bị ứng phó bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người) nhằm phát triển kháng thể đối phó virus gây hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS), hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và virus corona Hong Kong (OC-43).
Họ bảo quản trong tủ lạnh kháng thể phản ứng với SARS nhưng không có tác dụng với các virus khác. Khi Covid-19 bùng phát, các nhà nghiên cứu kiểm tra xem kháng thể này có phản ứng với nCoV hay không và thu được kết quả khả quan.
Theo nhóm nghiên cứu, bước tiếp theo là tìm công ty dược phẩm có thể sản xuất kháng thể trên quy mô lớn đề điều trị Covid-19, phát triển kit xét nghiệm và sản xuất vaccine ngừa nCoV.
"Trước khi ra thị trường, kháng thể phải trải qua thử nghiệm toàn diện", Frank Grosveld, giáo sư ở Đại học Erasmus, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. "Chúng tôi đang tiến hành quá trình đó. Ngoài phát triển thuốc, chúng tôi cũng muốn dùng kháng thể trong xét nghiệm chẩn đoán để mọi người đều có thể thực hiện tại nhà và dễ dàng xác định liệu họ có nhiễm bệnh hay không".