Ngày 30/9, ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Gia Lai cho biết, sau khi nhận thông tin vỡ đập tràn ngăn chia 2 hồ A và hồ B của Biển Hồ, các cơ quan liên quan đã nhanh chóng có mặt để kiểm tra.
Theo ông Bình, phần đập tràn có tổng chiều dài ước tính khoảng 20m, rộng khoảng 1m. Riêng phần đập tràn bị vỡ dài khoảng 10m. Sau khi đập tràn vỡ, TP Pleiku đã tổ chức cuộc họp, phía Công ty cổ phần cấp thoát nước Gia Lai cho biết sẽ tổ chức khắc phục sự cố này.
Vỡ đập tràn ngăn chia 2 hồ nước của Biển Hồ.
Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần cấp thoát nước Gia Lai cho biết, nguyên nhân đập tràn bị vỡ là do nước lũ từ hồ B tràn qua làm xói lở, bể một đoạn đập tràn. Khi nào nắng lên, đơn vị sẽ xây lại để tránh mất nước.
Việc nước hồ B tràn qua hồ A không gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cung cấp cho người dân. Đơn vị này đã thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm và chất lượng đều đảm bảo.
Sau sự cố vỡ đập tràn ngăn hồ B và hồ A, đơn vị tiếp tục lấy mẫu để xét nghiệm nước. Các mẫu trong thẩm quyền xét nghiệm của đơn vị đều đảm bảo chất lượng nước.
Ngoài ra, đơn vị cũng đã lấy 2 mẫu nước thô (nước của hồ khi chưa xử lý) và nước sạch gửi đi TP.HCM để xét nghiệm các chỉ số. Hiện đơn vị đang chờ kết quả xét nghiệm gửi về. Khi nào có kết quả, đơn vị sẽ công bố để người dân an tâm.
Biển Hồ được chia làm hồ A và hồ B. Hồ A là hồ tự nhiên dùng để cấp nước sinh hoạt cho TP Pleiku. Còn hồ B là hồ cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp địa bàn TP Pleiku, huyện Chư Pah và Ia Grai (cùng thuộc tỉnh Gia Lai).
Trước năm 2011, khi chưa xây dựng đập tràn này, nước 2 hồ thông nhau. Đến năm 2011, lo ngại phân bón, thuốc trừ sâu từ hồ B tràn xuống làm hồ A ô nhiễm, Công ty cổ phần cấp thoát nước Gia Lai đã xây đập tràn để ngăn chia. Việc xây dựng hoàn thành 1 năm sau đó.