Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vợ chồng giáo viên phố núi mở lớp học miễn phí, đến từng nhà vận động trẻ đi học

(VTC News) -

Mong muốn trẻ em nghèo trong làng có được "cái chữ", vợ chồng chị Mlê mở lớp học miễn phí và đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đến học.

Video: Tâm sự của cô Mlê về lớp học miễn phí 

Vợ chồng sinh viên sư phạm “lỡ hẹn” với bục giảng

Trong căn phòng nhỏ ở làng Wâu (xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) được bao bởi 4 bức tường xi măng cũ kĩ, gần 10 bộ bàn ghế nhựa bạc màu được sắp xếp ngay hàng. Ở đó mấy đứa trẻ đang say sưa nhìn lên bục giảng, nắn nót từng con chữ. 

Đó là lớp học "đặc biệt" của vợ chồng chị Mlê (sinh năm 1992, người đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar), cách trung tâm thành phố khoảng 15 km.

Thấy vài vị khách lạ ghé thăm, cả lớp đứng dậy đồng thanh chào, còn cô Mlê thì nở nụ cười tươi rói, mời chúng tôi vào lớp học. Hôm tôi đến, anh A Trăng còn ở chợ bán rau, chỉ có chị Mlê ở nhà dạy bọn trẻ học bài. Sự thân thiện toát lên từ gương mặt khả ái của cô giáo trẻ nhiều năm “lỡ hẹn” với bục giảng khi nói về chuyện đời, chuyện nghề.

Với tình yêu nghề, hai vợ chồng chị Mlê mở lớp học, dạy miễn phí cho trẻ em làng Wâu.

Năm 2015, chị và chồng là A Trăng (SN 1992, người Banar) quen biết nhau khi đang là sinh viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, sau đó cả hai nên duyên vợ chồng. Ra trường không tìm được việc như mong muốn, nên hằng ngày anh A Trăng trồng rau bên đám đất trống cạnh nhà rồi hái đi bán, còn cô Mlê xin vào làm tại UBND xã Chư Á với công việc Phó Hội phụ nữ xã.

Suốt thời gian đấy, chưa giây phút nào, đam mê được đứng trên bục giảng trong họ nguôi ngoai. Năm 2016, vợ chồng chị quyết định mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo làng Wâu.

"Thấy trẻ trong làng đều thuộc hộ nghèo, trình độ dân trí thấp, không có điều kiện học hành, tôi quyết định ngoài thời gian làm việc ở xã sẽ cùng chồng tranh thủ dậy cho bọn trẻ", chị nói.

Ban đầu, ít người cho con đi học vì họ chưa biết được lợi ích của việc học chữ. Vì thế có dạy miễn phí thì lớp vẫn vắng hoe. Thấy vậy, hai vợ chồng đến nhà từng người, tâm tình với cha mẹ các em, để họ hiểu và đồng ý cho con đến lớp học. Đến nay, cả làng đã có hơn 40 em nhỏ theo học.

Lớp học miễn phí ở làng Wâu được hình thành gần 4 năm nay. Mỗi ngày cô giáo Mlê chia làm 2 ca xen kẽ, thuận tiện cho các buổi học chính khóa trên trường của các em. Thương mấy đứa nhỏ, chị thường xuyên đi xin sách vở, bút cho học sinh, có hôm dành dụm được tiền bán rau, vợ chồng lại mua tặng cho chúng vài cuốn vở mới.

Từng nét chữ, từng phép tính, chị Mlê đều tỉ mẩn chỉ cho học trò.

 

Giúp trẻ em nghèo yêu lấy “con chữ”

Chỉ tay về thư viện của lớp học là một giá sách nhỏ, chị Mlê nói: “Cứ khi nào xin được sách gì hay thì tôi lại để vào đó. Giá sách trông thì nhỏ thế mà giúp các em thay đổi nhiều lắm. Dạo trước, em nào tới lớp sớm cũng đòi cô mở tivi cho xem hoạt hình, nhưng từ ngày có sách, bọn trẻ thay phiên đổi sách cho nhau đọc".

Ở ngôi làng còn nhiều khó khăn này, để duy trì được sĩ số đến lớp mỗi ngày không phải dễ dàng. Hễ cứ vào mùa hái cà phê hay mùa gặt, mấy đứa nhỏ lại bỏ học ở nhà trông em, để bố mẹ lên rẫy. Sợ sắp nhỏ hổng kiến thức, vợ chồng chị Mlê phải tới từng nhà, dẫn học trò cùng em nhỏ đến lớp, anh chị thì học còn mấy đứa em thì túm tụm cùng chơi với nhau một góc lớp.

Cảm kích với việc làm của vợ chồng chị Mlê, nhiều phụ huynh đi câu hay đi rẫy về có con cá, củ khoai, cái gì ngon là lại mang cho.

Chị H’Blam (phụ huynh cháu Mi Canh) cho biết, ngoài buổi đến lớp, con chị được cô giáo Mlê kèm cặp, rèn cho viết chữ đẹp, nhờ đó mà khả năng tiếp thu bài và đọc Tiếng Việt cũng tiến bộ hơn. Thấy cháu học giỏi lên gia đình mừng lắm. Thi thoảng chị mang cho cô con gà, gạo nếp, nài nỉ nhưng cô không nhận.

Mong muốn trẻ con trong làng được học cái chữ, vợ chồng chị Mlê không quản khó khăn, kiên trì tới từng nhà vận động các em tới lớp.

 

Ông Trương Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã Chư Á chia sẻ, vợ chồng anh Trăng mở lớp dạy học miễn phí giúp đỡ rất nhiều cho việc học của các em trong làng. Các em nhỏ Bahnar được làm quen với con chữ nên khi tới trường đỡ bỡ ngỡ hơn. Ngoài ra vợ chồng giáo viên này còn là lao động giỏi ở địa phương.

HIỀN MAI

Tin mới