(VTC News) – Rất nhiều nghệ sĩ Việt đã thích thú, trầm trồ khi xem Hennessy Concert lần thứ 20.
Tại Nhà hát Lớn, Hennessy Concert lần thứ 20 đã đánh dấu một hành trình đầy tự hào với sự thành công vang dội của tác phẩm kinh điển La Bohème, được trình diễn bởi các ngôi sao Nhà hát Nhạc kịch Australia (Opera Australia) cùng dàn nhạc giao hưởng nhạc viện Sydney, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Jonathan Webb.
|
Vợ chồng nghệ sĩ Đỗ Hồng Quân và Chiều Xuân có mặt từ rất sớm để xem vở nhạc kịch |
|
Vợ chồng nhạc sĩ Anh Quân và Mỹ Linh cũng có mặt |
Âm nhạc đỉnh cao, ánh sáng hiện đại, mapping 3D, tối giản số lượng diễn viên, biên tập lại những đoạn không thực sự cần thiết nhằm nhấn mạnh vào những chi tiết quan trọng đã tạo nên thành công lớn cho vở La Bohème vừa diễn ra.
|
Ca sĩ Đức Tuấn đầy lịch lãm
|
|
Nam ca sĩ Tùng Dương cũng góp mặt trong đêm diễn |
Khác với La Bohème của Steven Mercurio hay của Franco Zeffirelli, vở nhạc kịch dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Matthew Barclay và âm nhạc của nhạc trưởng Jonathan Webb có số lượng diễn viên được tối giản một cách bất ngờ chỉ với 9 nhân vật và nhiều chi tiết rườm rà đã được cắt bỏ.
Khán giả sẽ không được xem những chi tiết như cảnh ông chủ nhà bước chân vào trong căn phòng của 4 chàng trai hay những đứa bé đòi đồ chơi Parpignol trên đường phố hoặc cảnh những người dân vẫy cờ đón chào đoàn quân.
Nhưng cũng chính nhờ sự lược bỏ đó, người xem tập trung hoàn toàn vào những hành động của từng nhân vật trên sân khấu.
Ngoài giọng ca để thể hiện các mức biểu cảm khác nhau từ thù hận, hân hoan cho đến hạnh phúc hay tột cùng đau khổ, hình ảnh cũng là một yếu tố rất quan trọng. Hiệu quả của phần nhìn được giải quyết một cách tối ưu nhờ yếu tố ánh sáng và kỹ thuật mapping 3D.
Lần đầu tiên trong sân khấu nhạc kịch tại Việt Nam, kỹ thuật mapping 3D được sử dụng. Bốn trường đoạn của La Bohème chỉ dùng tới 4 hình ảnh 3D ở cuối sân khấu: nóc nhà ở của 4 chàng trai, tháp Eiffel và cầu Alexandre.
Những hình ảnh nổi ở cuối sân khấu là một biện pháp rất hay và ấn tượng để hút mắt khán giả thay vì sân khấu sử dụng đạo cụ hay phông màn cổ điển.
Câu chuyện diễn ra chỉ với vài chiếc ghế, bàn, việc thay đổi sân khấu diễn ra nhanh chóng cũng là một yếu tố khiến khán giả cảm thấy diễn tiến vở diễn trôi chảy, cuốn hút hơn.
Nếu kỹ thuật 3D tạo ra không gian cho mỗi cảnh thì ánh sáng lại đem tới hiệu quả trong thể hiện cảm xúc của nhân vật.
Khán giả ngây ngất với những quầng tím lung linh khi Rodolfo và Mimì ngả vào lòng nhau trên căn gác mái hay day dứt vì những phút cuối vừa đau khổ vừa hạnh phúc khi sắp lìa đời của nàng Mimì trong luồng sáng vàng.
Những hình ảnh tinh tế được sử dụng kín đáo như phía cuối sân khấu, khi 2 nhân vật chính bắt đầu yêu nhau có một ngôi sao băng xẹt ngang gần tháp Eiffel và pháo hoa nhiều màu được bắng lên liên tục.
Hoặc hình ảnh ẩn dụ của sự đau khổ khi đôi nhân vật chính chia tay dưới màn trời tuyết phủ lên cầu Alexandre – cây cầu với những trụ đèn thắp sáng. Hay những hình ảnh ngộ nghĩnh tăng tính hiện đại như sự xuất hiện của ông già Noel thay cho Parpignol (ông già bán đồ chơi) trong những phiên bản La Bohème khác.
Tất cả như kéo người xem vào, đứng trong câu chuyện của những chàng trai, cô gái tại thành phố Paris hoa lệ cách đây mấy thế kỷ.
Những công nghệ mới đã mở đường cho cách dàn dựng mới. Nhưng giá trị cốt lõi của La Bohème vẫn không hề bị thay đổi. Đó vẫn là một tác phẩm opera đỉnh cao với những trường đoạn mà giọng hát của ca sĩ quyện với âm nhạc thành một sự quyến rũ kỳ lạ người nghe.
Dàn diễn viên của Nhà hát Nhạc kịch Australia đã tận dụng sức trẻ và hoàn toàn chinh phục người nghe Việt Nam, kể cả những “đôi tai già” khó tính nhất nhờ kỹ thuật trình diễn và cảm xúc tuyệt vời khi cất giọng.
Sự tinh tế đó cũng được thể hiện qua phần trình diễn của các nhạc công trong dàn nhạc do nhạc trưởng Jonathan Webb chỉ huy. Họ cũng rất trẻ nhưng từng nốt nhạc của họ đều ánh lên niềm say mê như chính những Rodolfo, những Mimì của vở diễn vậy!
Ở phút cuối khi Mimì sắp chết, thời điểm khi cô và Rodolfo đang tỏ tình với nhau lần cuối, ánh sáng vàng rọi xuống, tiếng đàn harpe ngân lên một cách khéo léo để liên tưởng tới một thiên đường nơi cô sắp đến.
La Bohème đã kết thúc một cách tuyệt vời trong tiếng vỗ tay vang dội của khán giả. Đêm diễn là sự hoà quyện hoàn hảo của một tác phẩm nghệ thuật kinh điển có tuổi đời hàng thế kỷ với những “chất liệu” công nghệ hiện đại nhờ một tư duy làm nghệ thuật vừa chuẩn mực, cổ điển nhưng vẫn đầy sáng tạo, hiện đại.
Đã có người cho rằng La Bohème là một vở nhạc kịch khó thưởng thức nhưng cách dàn dựng của nhà hát kịch Australia làm cho một thứ tưởng như hàn lâm thật sự giản dị hơn và đi sâu hơn vào lòng người. Đây là lần đầu tiên một vở nhạc kịch được chương trình Hòa nhạc Hennessy đưa vào trình diễn trọn vẹn tại Việt Nam.
Việc La Bohème – được chào đón và thành công vang dội cũng là sự ghi nhận sáng giá với dấu mốc lần tổ chức thứ 20 của chuỗi hoà nhạc Hennessy tại Việt Nam, thể hiện chặng đường dài nỗ lực không mệt mỏi của Moët Hennessy nhằm đem đến cho cuộc đời những khoảnh khắc nghệ thuật vô cùng đặc biệt trong suốt những năm qua.
Diệu Linh (Ảnh:
Tuấn Đào)