Sau phiên thanh khoản thấp kỷ lục hôm qua, dòng tiền đã hồi phục, một lần nữa cho thấy có sự đánh cược vào mốc hỗ trợ tâm lý này...
Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán "tím" rất nhiều, chưa kể các trụ khác cũng tăng mạnh.
Tới 144 cổ phiếu trên 3 sàn tăng kịch trần hôm nay là diễn biến rực rỡ bất ngờ. VN-Index có được 34,65 điểm, không chỉ giành lại mốc 1.000, mà còn bay cao tới 1.028,01 điểm. Sau phiên thanh khoản thấp kỷ lục hôm qua, dòng tiền đã hồi phục, một lần nữa cho thấy có sự đánh cược vào mốc hỗ trợ tâm lý này.
Với độ rộng cực tốt 418 mã tăng/61 mã giảm, trong đó 82 mã kịch trần ở HoSE, tinh thần của phiên giao dịch hôm nay là rất hưng phấn. Số mã giảm chỉ mang tính cá biệt, trong khi nhóm cổ phiếu nào cũng có đại diện tăng giá cực mạnh.
Đáng lưu ý nhất hôm nay là nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản, hai nhóm điều chỉnh mạnh nhất thời gian qua trước những thông tin bất lợi dồn dập xuất hiện. Nhóm này cũng có các đại diện vốn hóa cực lớn, do đó nếu phục hồi sẽ làm tốt cả hai việc cùng lúc: Đẩy điểm số lên cao và củng cố tâm lý.
Cổ phiếu ngân hàng chốt phiên hôm nay có tới 11/27 mã ở cả 3 sàn đóng cửa tăng kịch biên độ. Các blue-chips bao gồm STB, BID, CTG, TCB, ACB, MBB, SHB. Nhóm chứng khoán có 17 mã kịch trần, bao gồm cả SSI, VCI, HCM, FTS, VND.
Cổ phiếu bất động sản cũng có hàng chục mã tăng hết biên độ với sự góp mặt của cả VRE, HAG, NTL, SCR, DXG, LHG... Đáng tiếc là nhóm lớn nhất lại không đủ mạnh: VIC chỉ tăng 0,36% trong đợt ATC, còn lúc khớp liên tục vẫn giảm. NVL vẫn giảm 0,81% chốt phiên. PDR cũng giảm 0,22%.
Tất cả các nhóm ngành có chỉ số đại diện ở HoSE đều tăng rất khỏe. Nổi bật dĩ nhiên là VNFIN của nhóm tài chính tăng 6,02%, VNENERGY của nhóm năng lượng tăng 5,92%. HoSE ngoài 82 mã kịch trần còn có 160 mã tăng từ 2% trở lên. Tính chung cả HNX lẫn UpCOM, số lượng cổ phiếu kịch trần tới 144 mã.
Theo vốn hóa, VN30-Index tăng 3,85%, Midcap tăng 4,74% và Smallcap tăng 3,51%. Rổ Midcap mạnh nhất với 27 mã kịch trần trong tổng 64 mã tăng, chỉ có 5 mã giảm. Các mã bất động sản tăng kịch trần dày đặc trong rổ Midcap, nhưng cũng bao gồm nhiều mã khác như BMP, VGC, HSG, ANV, DBC, PVB...
Tuy vậy mức tăng gần 35 điểm của VN-Index hôm nay vẫn chủ yếu là nhờ các blue-chips lớn, với nhóm ngân hàng làm nòng cốt: BID, VCB, CTG, TCB, MBB, ACB, VPB, SSB là 8/10 mã hàng đầu, còn lại là MSN tăng 6,41%, VNM tăng 3,29%. Điều hơi đáng tiếc là VIC chỉ kịp giật tăng về cuối, dù lực mua cũng rất mạnh với 809.400 cổ phiếu giá 55.000 đồng, tương đương 44,5 tỷ đồng. SAB cũng tăng khá nhẹ 0,97%. VHM, GAS tăng dưới 2%, bình thường cũng đã là rất khá, nhưng so với mặt bằng chung của phiên này thì vẫn kém.
VN-Index cho thấy thị trường mạnh lên đáng kể sau khi chỉ số giành lại được mốc 1.000 điểm.
Đà tăng mạnh mẽ bất ngờ hôm nay có sự ủng hộ khá lớn từ dòng tiền mua. Tổng giá trị khớp hai sàn niêm yết tăng trên 60% so với hôm qua, đạt 10.294 tỷ đồng. Nếu tính chung cả 3 sàn và bao gồm thỏa thuận, giá trị đạt 12.319 tỷ đồng, tăng 38%. HoSE tăng giao dịch 63% với 9.532 tỷ đồng.
HoSE có 10 mã đạt thanh khoản trên 200 tỷ đồng khớp lệnh thì chỉ có HPG và DGC là không thuộc nhóm tài chính, bất động sản. DIG lập kỷ lục lịch sử về giao dịch với trên 27 triệu cổ tương đương 497,6 tỷ đồng. Cổ phiếu này có phiên bật ngược hết biên độ sau khi rơi chạm tới vùng giá tháng 7/2021 và bốc hơi 55% giá trị trong gần 3 tháng qua.
Mức điều chỉnh giá là rất mạnh ở nhiều cổ phiếu và đã nhiều lần lòng tham nổi lên, nhưng đều thất bại. Vì vậy khó có thể nói hôm nay thị trường có một phiên bắt đáy của những người đang thua lỗ. Thị trường mạnh mẽ hơn trong buổi chiều, khi VN-Index được kéo bật trở lại lên trên ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. Có lẽ đây là tín hiệu khích lệ dòng tiền mới vào dò đáy.
Khối ngoại là “làn gió ngược” khi xả ra 1.295,4 tỷ đồng trên sàn HoSE, chiếm gần 12% tổng giao dịch của sàn. Rất may là bên mua cũng tốt với 1.124,4 tỷ đồng, tương đương chỉ bán ròng 171 tỷ đồng. KBC bị xả lớn nhất -140,6 tỷ đồng ròng, HPG -97,5 tỷ. Nhóm STB, VIC, VHM, SSI, NLG, DGC, VND, NVL, GAS cũng bị bán ròng từ 20 tỷ đến quanh 40 tỷ đồng.