Tại Hội thảo mang chủ đề “Chọn danh mục – Đón sóng lớn”, các chuyên gia đã mổ xẻ nhiều góc nhìn thú vị về ngành tài chính Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, thị trường chứng khoán đang có nhiều động lực phát triển.
Hội thảo tài chính chủ đề “Chọn danh mục - Đón sóng lớn" tổ chức chiều tối 27/3 tại TP.HCM. (Ảnh: Đại Việt)
9 cổ phiếu hưởng lợi lớn
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu VPBankS cho biết, năm 2024, cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục phục hồi 15%, cổ phiếu bất động sản nhà ở và khu công nghiệp phục hồi khoảng 7%.
Theo ông Dương, trong số các ngành đang phục hồi thì cổ phiếu ngành bán lẻ phục hồi ấn tượng nhất. Trong năm 2024, lợi nhuận từ cổ phiếu ngành bán lẻ sẽ phục hồi 100%, sau năm 2023 đầy bết bát khi lợi nhuận giảm gần 80%.
Bên cạnh những ngành nói trên thì cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản, dầu khí, công nghệ thông tin cũng sẽ có lợi nhuận tốt trong năm 2024.
“Chúng tôi cho rằng, trong năm 2024, lợi nhuận trước thuế toàn thị trường chứng khoán sẽ tăng khoảng 13% so với năm 2023, đạt mức 555.214 tỷ đồng”, ông Dương nói.
Còn theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS), các chuyên gia của hãng đã nghiên cứu và đưa ra 9 cổ phiếu vốn hóa lớn, có khả năng bứt tốc nhanh khi dòng vốn chủ động và thụ động cùng tham gia mua trên thị trường.
9 mã cổ phiếu đó là VCB, VHM, HPG, VIC, VNM, MSN, VRE, VJC và SSI. Đây là những cổ phiếu dành cho nhà đầu tư trung và dài hạn liên quan đến câu chuyện nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
9 mã cổ phiếu được nhóm nghiên cứu đánh giá tốt và nhiều triển vọng. (Ảnh: VPBankS)
Trong ngắn hạn, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên chú ý đến nhóm cổ phiếu bán lẻ vì kinh tế phục hồi, thu nhập tăng trở lại. Tiếp đến là nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp, bởi làn sóng đầu tư nước ngoài đang diễn ra khá mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngành thép cũng được các chuyên gia khuyến nghị vì nhu cầu thép trên thế giới đang phục hồi. Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán cũng đầy triển vọng với câu chuyện nâng hạng thị trường, phát triển thị trường và phát hành tăng vốn.
Đâu là động lực chính?
Ông Trần Hoàng Sơn nhận định đầy lạc quan rằng thị trường chứng khoán đang có rất nhiều triển vọng khi Việt Nam đang trong quá trình nới lỏng tiền tệ. Thị trường chứng khoán sẽ đi lên trong 1 – 2 năm tới.
Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cũng giúp cho thị trường tăng trưởng trong tương lai gần. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng, lợi suất ngắn hạn đi lên, mặt bằng lạm phát thấp và ổn định.
Ông Trần Hoàng Sơn lưu ý, trong chu trình phục hồi, thị trường chứng khoán có thể xuất hiện "bẫy" giảm giá, nhịp điều chỉnh sâu, nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục.
“Theo quan sát của tôi ở tất cả chu kỳ nới lỏng chính sách thì thị trường chứng khoán đều tăng tốt. Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 4/2023 đến nay, tham chiếu lịch sử thị trường đều lên tốt”, ông Sơn nói.
VN-Index vượt 1.285 điểm vào 14h chiều 28/3.
Cũng theo ông Sơn, ông nhận thấy sự tương quan giữa nới lỏng chính sách và VN-Index. Khi lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm và đi xuống thì thị trường tăng mạnh và ngược lại. Xu hướng thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh nhưng chủ đạo vẫn là đi lên.
Ông Sơn nhận định, niềm tin đầu tư đã quay trở lại thị trường chứng khoán vì thanh khoản tăng cao. Cụ thể, đầu năm 2023, thanh khoản trung bình chỉ đạt 13.000 – 14.000 tỷ đồng/phiên, trung bình cả năm khoảng 18.000 tỷ đồng/phiên. Thế nhưng, đến năm 2024, nhiều phiên có thanh khoản lên tới 25.000 – 50.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, thanh khoản đang tăng lên rất cao kể từ tháng 3/2022.
Ông Sơn đánh giá, sở dĩ thanh khoản tăng là dựa trên kỳ vọng phục hồi nền kinh tế và kỳ vọng vào việc nâng hạng đã kéo dòng tiền vào. Việc này diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu. Tiền gửi tại các công ty chứng khoán cũng tăng liên tục trong các quý của năm 2023.
Những xu hướng nói trên cho thấy niềm tin phục hồi của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2024 cũng được dự báo là sẽ tăng trưởng nhẹ sau năm 2023 đầy khó khăn.
Cũng theo ông Sơn, các nhóm cổ phiếu doanh nghiệp chứng khoán, công nghệ thông tin, ngân hàng sẽ phục hồi sớm. Nhóm cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản đã chững lại nhưng cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo ông Sơn, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đã điều chỉnh về mức thấp hơn mức trung bình 10 năm.
Cụ thể, sau khi chỉ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) lên mức 17,x tại vùng đỉnh tháng 9/2023, chỉ số VN-Index đã điều chỉnh trở lại và định giá đã về mức hấp dẫn hơn khi đang giao dịch ở mức 15,4, thấp hơn mức trung bình 10 năm (16,6). Với dự báo lợi nhuận năm 2024 sẽ tiếp tục phục hồi, mức định giá hợp lý vẫn là cơ sở để thu hút dòng tiền tham gia trở lại thị trường.
Chuyên gia này cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước qua sóng điều chỉnh mạnh của năm 2022 và chuyển sang giai đoạn tích lũy, hồi phục trong năm 2023. Xu hướng của năm 2024 là sẽ tiếp tục khởi sắc hơn khi chính sách nới lỏng tiếp tục được duy trì trong nước, lãi suất điều hành và lãi suất ngắn hạn đang giảm dần, lợi suất trái phiếu giảm, các gói hỗ trợ kích cầu kinh tế được đưa ra…
Ông Sơn dự báo, trong năm 2024, VN-Index có thể đạt mốc cao nhất, từ 1.326 – 1.350 điểm, tăng 17% so với năm 2023. Trong đó, vùng dao động chính của chỉ số xoay quanh mốc 1.200 +/-50 điểm, mức thấp nhất có thể là 1.100 điểm.
Nâng hạng thị trường chứng khoán
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 122/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan xử lý nhanh chóng, kịp thời và có kết quả các vướng mắc thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi, báo cáo kết quả triển khai thực hiện trong tháng 6/2024.
Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật và thông lệ quốc tế, báo cáo Chính phủ trước ngày 30/6/2024.