Ngày 18/7, Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao đã chuyển đơn của ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bị can Nguyễn Phương Hằng) tố giác ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Đại Nam) đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.
Theo phiếu chuyển đơn, Cơ quan Điều tra, VKSND Tối cao cho biết, Cơ quan này có nhận được đơn của ông Nguyễn Quang Tuấn tố giác việc bỏ lọt tội phạm đối với ông Huỳnh Uy Dũng là người giúp sức tích cực cho bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội nhưng không bị xem xét, xử lý hình sự.
Ông Huỳnh Uy Dũng và bị can Nguyễn Phương Hằng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn đề nghị xem xét vai trò đồng phạm của ông Huỳnh Uy Dũng đối với hành vi phạm tội của bà Nguyễn Phương Hằng.
“Xét thấy nội dung đơn là khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự nên Cơ quan Điều tra, VKSND Tối cao chuyển đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”, Văn bản 2609/VKSTC-C1 của VKSND Tối cao nêu.
Hôm 30/5, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển đơn của ông Nguyễn Quang Tuấn tố giác ông Huỳnh Uy Dũng đến Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.
Ông Tuấn đã gửi đơn với nội dung tố giác ông Dũng có hành vi lợi dụng tự do dân chủ, xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân lên Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Ngoài gửi đơn đến Bộ Công an, VKSND Tối cao, ông Tuấn còn gửi đơn đến Công an TP.HCM và một số cơ quan chức năng để tố giác ông Dũng cùng về hành vi trên.
Trong đơn, ông Tuấn cho rằng ông Dũng là người có vai trò cầm đầu, tổ chức, cùng thực hiện hành vi, có dấu hiệu đồng phạm giúp sức về vật chất, tinh thần với bà Phương Hằng xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Ông Tuấn cho rằng ông Huỳnh Uy Dũng có hành vi đồng phạm với Nguyễn Phương Hằng
Hôm 1/6, TAND TP.HCM đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sang Viện KSND TP.HCM để làm rõ 3 nội dung trong vụ án.
Thứ nhất, đối với yêu cầu bồi thường của một số cá nhân trong vụ án, hồ sơ chưa thể hiện đầy đủ chứng cứ. Vì vậy, cần thu thập thêm chứng cứ. Nếu không có chứng cứ bổ sung, tòa án sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Thứ hai, các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng tại nhà riêng, và một số địa điểm tại Công ty Cổ phần Đại Nam đều có sự xuất hiện của ông Huỳnh Uy Dũng, khi ông Dũng ngồi cùng bà Nguyễn Phương Hằng. Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện KSND TP.HCM chưa làm rõ có hay không vai trò đồng phạm của ông Huỳnh Uy Dũng trong vụ án.
Theo TAND TP.HCM, dù đơn tố cáo của 10 người trong vụ án không đề cập đến ông Huỳnh Uy Dũng nhưng cần phải làm rõ để giải quyết vụ án toàn diện, khách quan.
Thứ 3, theo TAND TP.HCM, ngoài tội danh mà Viện KSND TP.HCM truy tố bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm, thì căn cứ vào đơn tố cáo của ông Nguyễn Đức Hiển và bà Đặng Thị Hàn Ni, còn có nội dung tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng bịa đặt, thông tin sai sự thật, xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân.
Vì vậy, theo TAND TP.HCM, hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm có dấu hiệu của tội Làm nhục người khác, hoặc Vu khống theo Điều 155, Điều 156 bộ luật Hình sự hay không, cũng cần được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện KSND TP.HCM làm rõ.