Trong phân tích được cho là toàn diện nhất cho đến nay về sự phân bố và tồn tại của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể và não bộ con người, các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) phát hiện ra mầm bệnh có khả năng tái tạo tốt trong tế bào người ngoài đường hô hấp.
Theo kết quả của nghiên cứu, được đăng tải trên Tạp chí Nature hôm 25/12, việc thanh lọc virus bị trì hoãn là một nguyên nhân tiềm năng gây ra các triệu chứng dai dẳng ở những bệnh nhân đã hồi phục, được gọi là “COVID kéo dài”. Các tác giả cho biết, việc hiểu cơ chế tồn tại của virus, cùng với phản ứng của cơ thể đối với bất kỳ ổ chứa virus nào, hứa hẹn sẽ giúp cải thiện việc chăm sóc những bệnh nhân COVID-19.
Dẫn lời ông Ziyad Al-Aly, Giám đốc trung tâm dịch tễ học lâm sàng tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe St. Louis (Mỹ) và là người đã dẫn đầu các nghiên cứu riêng biệt về tác động lâu dài của COVID-19: “Bấy lâu nay chúng tôi vẫn luôn suy nghĩ về vấn đề nan giản rằng tại sao COVID-19 có vẻ ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan như vậy. Nghiên cứu này đã làm sáng tỏ một số điều và có thể giúp giải thích nguyên nhân COVID kéo dài có thể xảy ra ngay cả ở những người bị bệnh cấp tính nhẹ hoặc không có triệu chứng”.
Phát hiện ngạc nhiên
Nghiên cứu được thực hiện tại NIH ở Bethesda, Maryland (Mỹ) dựa trên việc thu thập mẫu và phân tích rộng rãi các mô được lấy trong quá trình khám nghiệm tử thi trên 44 bệnh nhân tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 trong năm đầu tiên của đại dịch ở Mỹ. Trái ngược với nghiên cứu khám nghiệm tử thi khác, việc thu thập mô sau khi tử vong của nhóm NIH toàn diện hơn và thường diễn ra trong khoảng một ngày sau khi bệnh nhân qua đời.
Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng nhiều kỹ thuật bảo quản mô khác nhau để phát hiện và định lượng mức độ virus, cũng như phát triển virus được thu thập từ nhiều mô, bao gồm phổi, tim, ruột non và tuyến thượng thận từ bệnh nhân COVID-19 đã qua đời trong tuần đầu tiên mắc bệnh.
Nhóm nghiên cứu phát hiện virus SARS-CoV-2 RNA dai dẳng ở nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm cả các vùng trên toàn bộ não, trong khoảng thời gian 230 ngày sau khi người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Các tác giả cho biết: “Các kết quả của chúng tôi cho thấy mặc dù virus SARS-CoV-2 tác động nghiêm trọng nhất đến đường hô hấp và phổi, song virus này có thể phát tán sớm trong quá trình lây nhiễm và lây nhiễm các tế bào khắp toàn bộ cơ thể, bao gồm cả não bộ”.
Theo bà Raina MacIntyre, Giáo sư về an toàn sinh học toàn cầu tại Đại học New South Wales ở Sydney (Úc), nghiên cứu cung cấp dữ liệu bệnh lý hỗ trợ các phát hiện của nghiên cứu trước đó cho thấy SARS-CoV-2 trực tiếp giết chết các tế bào cơ tim và những người sống sót sau khi bị nhiễm bệnh sẽ bị suy giảm nhận thức.
Giai đoạn virus xâm nhập vào máu
Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiễm trùng phổi có thể dẫn đến giai đoạn virus xâm nhập vào máu sớm, trong đó virus hiện diện trong máu và được gieo mầm khắp cơ thể, bao gồm qua hàng rào máu não, ngay cả ở những bệnh nhân bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. Một bệnh nhân trong nghiên cứu khám nghiệm tử thi là một trẻ vị thành niên có khả năng tử vong vì các biến chứng động kinh không liên quan. Điều đó cho thấy trẻ em mắc COVID-19 không nghiêm trọng cũng có thể bị nhiễm trùng toàn thân.
Được biết, việc thanh lọc virus kém hiệu quả hơn trong các mô bên ngoài phổi có thể liên quan đến phản ứng miễn dịch yếu bên ngoài đường hô hấp.
“Nghiên cứu có thể giúp chúng tôi hiểu được sự suy giảm nhận thức thần kinh hoặc “sương mù não” và các biểu hiện tâm thần kinh khác của chứng COVID kéo dài. Chúng ta cần bắt đầu nghĩ về SARS-CoV-2 như một loại virus toàn thân có thể khỏi ở một số người, nhưng ở những người khác có thể tồn tại trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng và tạo ra Covid kéo dài - một chứng rối loạn toàn thân nhiều mặt”, ông Al-Aly nhấn mạnh.