Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Molecular Biology and Evolution, nhóm các nhà nghiên cứu từ Anh, Argentina và Đan Mạch phát hiện DNA của con người được bảo quản trong một loại "xi măng" sinh học có tác dụng như keo gắn trứng chấy vào đầu các xác ướp ở Nam Mỹ.
Theo các nhà khoa học, loại "xi măng" là chất kết dính mà chấy tạo ra để cố định trứng của chúng vào tóc của vật chủ.
Xác ướp mang theo virus gây ung thư da 2.000 năm trước. (Ảnh: Đại học Reading)
Trong nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học thu được "xi măng" trên 8 xác ướp niên đại 1.500-2.000 năm tuổi. Chúng chứa tế bào da từ da dầu của người nên bảo quản rất tốt DNA của các xác ướp.
Thông qua giải trình tự DNA, nhóm nghiên cứu xác định được giới tính của các xác ướp, cũng như bằng chứng di truyền cho thấy nhóm người này di cư từ tây Amazonia - có thể là khu vực rừng nhiệt đới phía nam của Venezuela và Colombia ngày nay đến dãy Andes ở Argentina.
DNA ty thể lấy từ trứng chấy cho thấy chúng có nguồn gốc từ rừng nhiệt đới Amazon trong khi vị trí của trứng chấy - gần với da đầu của xác ướp chỉ ra rằng vật chủ của chúng có thể đã phải chịu nhiệt độ cực lạnh trước khi chết.
Phần xi măng trứng cấy vào tóc người để cấy trứng. (Ảnh: Đại học Reading)
Điều khiến nhóm nghiên cứu ngạc nhiên hơn nữa là việc tìm thấy dấu vết của một số chủng vi khuẩn và Merkel - một loại virus gây ung thư da. Từ đây họ cho rằng chấy có khả năng là vật chủ trung gian làm lây lan virus.
Các nhà nghiên cứu gọi phát hiện này là đáng chú ý, giúp mở ra một phương pháp nghiên cứu mới với các xác ướp thay vì việc lấy xương và răng vốn có thể hủy hoại các mẫu vật cổ đại.
"Họ đã có thể giải trình tự bộ gen từ một nguyên liệu ban đầu nhỏ và dường như không đáng kể. Ngoài ra, những con chấy trên đầu những người này cung cấp thêm thông tin về quá trình di cư của con người. Có vẻ như chấy rận vẫn còn nhiều điều để nói về lịch sử của chúng ta", David Reed - nhà sinh vật học tới từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida cho hay.