Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Virus corona sợ ánh sáng và nhiệt độ cao, chỉ cần mở cửa phòng thông thoáng, không nhất thiết đeo khẩu trang

(VTC News) -

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, chỉ cần mở cửa phòng thông thoáng, không nhất thiết đeo khẩu trang trong phòng ngừa virus.

Tại buổi họp báo ngày 5/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, virus corona sợ ánh sáng và nhiệt độ cao, nên cần mở cửa thoáng phòng và không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế. 

Với phương thức bảo vệ bằng khẩu trang y tế, Thứ trưởng dẫn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới được đăng tải trên website: "Không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy có lợi ích bảo vệ sức khỏe đối với người không bị bệnh".

"Việc các nhà báo đeo khẩu trang khiến cho chúng tôi rất căng thẳng", Thứ trưởng Long dí dỏm nói.

Như vậy khẩu trang không phải cứu tinh để ngăn ngừa virus corona.

Vì sợ ánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím, gió nên virus không thể tồn tại và phát triển trong môi trường thông thoáng khí, nhiệt độ cao. "Nơi nắng, gió như Tây Nguyên không nhất thiết dùng khẩu trang y tế. Virus này rất sợ nắng, gió và tia cực tím”, ông Long nói.

Các chuyên gia khuyên rằng người dân nên mở cửa sổ, cho không khí lưu thông trong phòng, tránh đóng kín cửa chính là tạo điều kiện cho virus phát triển. Khi ở môi trường tự nhiên bên ngoài không nhất thiết phải đeo khẩu trang, vì virus khó có thể tồn tại bên ngoài lâu.

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Phương thức lây truyền phổ biến của virus corona

Theo GS Long, có 3 phương thức lây truyền chủ yếu là lây qua không khí - ở đây là lây qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp; lây trực tiếp- khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay người bệnh nếu không thực hiện biện pháp phòng bệnh, rửa tay với xà phòng; và lây truyền từ bề mặt đã nhiễm bẩn.

Trong đó, khi ho, hắt hơi, virus này không lơ lửng trên không khí vì thế nguy cơ lây không khí thấp, chủ yếu lây qua tiếp xúc. Khi ra ngoài, tồn tại trên bề mặt gỗ, đá, sắt, thép, vải... Thời gian tồn tại của virus khá lâu. Khi đó, nếu sờ tay vào bề mặt nhiễm khuẩn rồi đưa lên mắt mũi miệng là đường lây truyền đáng quan ngại. Ngoài ra, có thể lây qua phân từ người nhiễm bệnh, nhưng đường lây này chưa có cơ sở khoa học.

Theo phản xạ, thường cứ 10 phút 1 lần là tay có thể có động tác đưa lên mặt, không nằm trong ý thức. Vì thế WHO khuyên rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc đám đông.

Virus này lây trong thời gian ủ bệnh, nghĩa là lây ngay trong giai đoạn khi người bệnh không có triệu chứng. Có thể có người có triệu chứng rất nhẹ, chỉ biểu hiện đau mỏi cơ sốt nhẹ, ho rất nhiều, nhưng thực chất bị bệnh này nên dễ bỏ sót một số trường hợp.

Đeo khẩu trang thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết qua hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế sẽ có sơ đồ vẽ những đối tượng nào cần đeo và cách sử dụng khẩu trang y tế, khẩu trang vải. Hướng dẫn về đeo khẩu trang được đăng trải trên website của Bộ Y tế.

Tất cả những ai thăm khám người bệnh đều cần được đeo khẩu trang y tế. Cách đeo đúng cách là không được sờ vào mặt trong hay mặt ngoài của khẩu trang, tránh virus có thể xâm nhập qua đường miệng hoặc mũi, chỉ có thể sờ vào quai của khẩu trang.

Để phòng bệnh, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang vải khi đi xe máy để chống bụi và các loại virus khác.

 

Minh Khôi

Tin mới