Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vĩnh Phúc: Thấp thỏm sống gần công trình kè sông Phó Đáy bị sập

Người dân không dám lại gần khu vực xảy ra sự cố sạt trượt bờ hữu sông Phó Đáy (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Trẻ em trong thôn được người nhà gửi đi nơi khác.

Bất an khi trời mưa

Chiều ngày 3/7, khi PV có mặt tại thôn Phú Hậu (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) người dân nơi đây vẫn chưa hết lo lắng sau sự cố sạt trượt bờ hữu sông Phó Đáy khu vực đền Mẫu.

Theo ghi nhận, chính quyền địa phương đã thiết lập hàng rào bảo vệ ngăn cách khu vực xảy ra sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Người dân không dám lại gần khu vực này, trẻ em trong thôn được người nhà gửi đi nơi khác.

Chính quyền địa phương lập rào chắn, cảnh báo khu vực sạt lở.

Nhà anh Phạm Văn Thiện (thôn Phú Hậu, xã Sơn Đông) cách khu vực sạt lở khoảng 20m. Anh Thiện cho biết, sau sự cố sạt lở, cứ thấy trời mưa là anh cảm thấy bất an.

Anh Thiện kể lại sự việc: “Khoảng 23h30 ngày 28/6, khi đó tôi đang ngủ, bỗng dưng nghe thấy tiếng động mạnh. Sau đó có người chạy vào nhà hô ‘xảy ra động đất, đền bị sạt hết xuống'. Tôi rất hoang mang, mở toàn bộ cửa, bật đèn rồi chạy ra ngoài”.

 Toàn cảnh vụ sạt lở

Theo anh Thiện, đây là lần thứ 2 xảy ra sạt lở tại khu vực này. Lần đầu tiên xảy ra vào khoảng tháng 10 năm 2022, sau đó được cơ quan chức năng khắc phục.

“Đêm hôm xảy ra sự cố cả xóm đều thức, không ai dám đi ngủ vì chỉ sợ sạt lở diễn ra tiếp. Toàn bộ trẻ nhỏ trong thôn được sơ tán đi chỗ khác ngay trong đêm, còn người lớn chúng tôi ngồi ngoài đường đến sáng”, anh Thiện cho hay.

Mong muốn giữ lại cây cổ thụ

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Văn Chung (sống gần khu vực sạt lở) cho biết, đền Mẫu được người dân xã Sơn Đông xây dựng lại cách đây khoảng 5 năm. Sự cố sạt lở vừa qua khiến dân làng rất lo lắng. 

Theo anh Chung, vụ sạt lở gây ảnh hưởng lớn tới ngôi đền, "đe dọa" cây đề cổ thụ. "Hiện nay cơ quan chức năng đã cắt tỉa cây để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đây là cây di sản nên chúng tôi rất mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp giữ lại cây này”, anh Chung nói.

Ngoài ra, anh Chung mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm khắc phục sự cố sạt lở để người dân có cuộc sống ổn định.

Nhiều hạng mục ở khu vực đền Mẫu bị sạt trượt

Cây đề cổ thụ được cắt tỉa nhằm đảm bảo an toàn.

Đại diện UBND xã Sơn Đông cho biết, công trình bị sạt lở không phải do xã làm chủ đầu tư. "Chúng tôi cử người đảm bảo an ninh trong những ngày bị sạt lở. Hiện chưa phải di dời người dân, xã đang theo dõi và phối hợp với các ngành đưa ra phương án kịp thời", vị đại diện UBND xã Sơn Đông nói.

Khẩn trương xử lý sự cố sạt lở

Ngay sau khi sự cố sạt lở xảy ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đồng thời khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để xử lý sự cố theo quy định.

Huyện chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan lập phương án xử lý tạm thời để đảm bảo ổn định cho cây đề và đền Mẫu; đồng thời lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, năng lực để đề xuất giải pháp khắc phục sự cố đảm bảo an toàn cho khu vực...

Khu vực sân đền Mẫu bị sụt lún.

Khối bê tông bị gãy, sạt xuống bờ sông

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cũng đã có công văn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Vĩnh Phúc khẩn trương chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp kịp thời để đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong khu vực; hạn chế, ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra, không để sự cố phát triển thêm.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tìm hiểu nguyên nhân và xử lý sự cố sạt lở này.

Được biết, công trình xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II (xã Sơn Đông) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định thực hiện khẩn cấp vào năm 2022 với tổng mức đầu tư là 19,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cấp tỉnh. 

Công trình gồm 2 hạng mục chính là xử lý sạt trượt khu vực đền Mẫu và xử lý sạt trượt trạm bơm Phú Bình II với tổng chiều dài khoảng 350m.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới