Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc rà soát, xem xét thành lập thêm các hãng hàng không trong tình hình mới nhằm đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững. Trong đó, có kiến nghị tạm thời không cấp phép thành lập hãng bay mới.
Cụ thể, nhằm đảm bảo quản lý Nhà nước về hàng không phát triển bền vững, Bộ GTVT kiến nghị: Trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động.
Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi. Thời gian dự kiến đến năm 2022.
Bộ GTVT đề xuất tạm dừng cấp phép hãng hàng không mới đến năm 2022. (Ảnh minh họa)
Kiến nghị của Bộ GTVT đã đặt ra nhiều thách thức đối với các dự án hàng không đang “rục rịch” gửi hồ sơ xin thành lập và cấp giấy phép bay.
Đầu tháng 4/2020, Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines. Tuy nhiên chủ trương này được đồng ý khi căn cứ vào các đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Vietravel vào cuối năm 2019, khi dịch COVID-19 chưa xảy ra. Đến nay, tình hình đã thay đổi hoàn toàn khi hàng không trong nước đang thiệt hại nặng nề do tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Theo một ước tính của Bộ GTVT vào tháng 3, tổng số thiệt hại của các hãng hàng không trong nước lên tới 30.000 tỷ đồng. Đây cũng là thách thức đặt ra đối với Vietravel Airlines, khi mà hàng không và du lịch - hai mảng chính hãng khai thác - đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Tại văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ GTVT cũng nhấn mạnh việc góp ý với hồ sơ dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) thuộc Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam vào tháng 10/2019. Theo đó, Bộ GTVT đánh giá giai đoạn 2014 - 2018 thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá. Đánh giá của Bộ GTVT cũng đặt ra những bất cập nếu thành lập thêm hãng hàng không mới.
Ngoài Vietravel, Kite Air, cơ hội được phê duyệt giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar Air cũng phải tạm thời gác lại. Vietstar Air trước đó gửi hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh hàng không năm 2017, với vai trò là hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên tại Việt Nam.
Liên quan đến việc dừng cấp phép các hãng bay mới, trả lời VTC News, theo chuyên gia hàng không - PGS Nguyễn Thiện Tống, đây là chủ trương hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
“Thực tế cho thấy, các hãng hàng không ảnh hưởng và thua lỗ do dịch COVID-19 rất lớn. Thế giới đã ghi nhận sự phá sản của nhiều hãng hàng không, trong đó có Thai Airways – Hãng hàng không quốc gia Thái Lan. Hàng không có thể đang hồi phục nhưng nhu cầu không tăng nhiều, tăng nhanh như trước và nếu có tăng thì rất chậm. Hiện nay các hãng hàng không đang hiện hữu cũng đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu này và điều đó đồng nghĩa với việc cơ hội cho các hãng mới là rất ít, nếu không nói là không còn chỗ. Vì thế nếu thành lập thì các hãng hàng không mới sẽ có nguy cơ thua lỗ thậm chí phá sản”, PGS Nguyễn Thiện Tống cho biết.
Theo chuyên gia hàng không, quy hoạch hàng không không thể theo kiểu “ai có nhu cầu, đủ tiêu chí thì cấp phép mà cần dựa vào việc cân đối các nguồn cung - cầu. “Chúng ta không thể cấp phép ồ ạt vì điều này tiềm ẩn rủi ro phá sản đối với các hãng hàng không mà Thái Lan là một bài học. Trong bối cảnh hiện nay, các hãng hàng không nếu được cấp phép mới cũng không nên hoạt động vì sẽ nắm chắc phần lỗ”, ông Tống nhấn mạnh.
Vẫn theo chuyên gia này, chủ trương tạm dừng cấp phép các hãng hàng không mới đến 2022 là hợp lý. “Thậm chí Bộ cần cân nhắc đến việc không nên cấp phép thêm hãng hàng không mới trong một thời gian dài sau này nữa. Cần đặt ra câu hỏi Việt Nam cần thêm hãng hay không? Thực tế là không. Nếu cần thì đó là việc cần thêm chuyến bay, mà điều này các hãng hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng được chứ không cần đến việc có thêm hãng mới để thực hiện. Thậm chí các hãng hiện hữu làm điều này lại thuận lợi hơn vì họ có sẵn bộ máy, có nhiều đường bay rồi thì tăng chuyến bay rất đơn giản mà lại tiết kiệm chi phí hơn nhiều”, PGS Nguyễn Thiện Tống phân tích.
Đánh giá về hoạt động của các hãng bay mới thành lập, theo chuyên gia hàng không, Bamboo Airway hiện lỗ rất nặng. Vì vậy, việc Vingroup rút lui khỏi lĩnh vực hàng không là rất sáng suốt.
“Các hãng hàng không hiện nay gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific… đã đủ bao phủ thị trường. Nếu có thiếu thì đó là phân khúc của các chặng bay dành cho máy bay dưới 20 chỗ với đường bay ngắn. Nhưng điều này các hãng hiện hữu cũng hoàn toàn có thể đáp ứng được. Ngay cả khi chưa cần đánh giá đến ảnh hưởng của COVID-19 thì theo tôi hàng không Việt Nam cũng không cần lập thêm hãng mới”, PGS Tống bày tỏ quan điểm.