Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTPCP tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vào hôm nay 10/8 trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 bùng phát.
Việc 4 lần lùi ngày tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên sang giữa quý III/2020 giúp Vietnam Airines dành thời gian dồn lực duy trì các hoạt động bay, trong đó có việc thực hiện vai trò của hãng hàng không quốc gia thông qua hàng loạt chuyến bay xuyên lục địa vào các vùng tâm dịch để giải cứu công dân Việt Nam…
Đây cũng là cơ hội giúp Vietnam Airlines hoạch định chính xác hơn các kế hoạch về “đường bay” của hãng trong những tháng cuối năm 2020, khi dịch COVID-19 thêm một lần nữa giáng cú đòn lớn vào ngành hàng không.
Thực tế, sau dịch COVID-19 kéo dài, đối diện với những thiệt hại nói chung của ngành hàng không, hoạt động liên tục của Vietnam Airlines được đánh giá sẽ phải phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ của cổ đông Nhà nước hiện chiếm tới 86,19% vốn điều lệ.
So với nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã phải tuyên bố phá sản, Vietnam Airlines tuy lỗ nặng nhưng vẫn trụ được vì trước tác động của dịch COVID -19 nhờ có được nguồn tài chính lành mạnh.
Dịch COVID-19 khiến ngành hàng không Việt Nam tụt hậu 5 năm, trong đó không ngoại trừ Vietnam Airlines. Chính lãnh đạo của hãng này từng thừa nhận, COVID-19 đã làm đảo lộn mọi kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines ít nhất trong vòng 3 – 4 năm tới. Trên thực tế, so với nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã phải tuyên bố phá sản, Vietnam Airlines tuy lỗ nặng nhưng vẫn trụ được vì trước dịch nhờ có tiềm lực tài chính lành mạnh. Tại thời điểm đầu năm 2020, hãng đang có 4.000 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản nhờ kết quả kinh doanh năm 2019 ấn tượng với khoản lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên tới 3.389 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp – đơn vị đang giữ vai trò cổ đông chi phối, Vietnam Airlines phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có trong lịch sử do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trên thế giới đã có những hãng hàng không phải tuyên bố phá sản; nhiều hãng đã thực hiện các biện pháp mạnh như sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí.
Tại thời điểm này, các cổ đông của Vietnam Airlines quan tâm nhất không phải là kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 mà là kế hoạch trụ vững, tiến tới phục hồi, tái phát triển của hãng hàng không quốc gia.
Theo ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh và cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng những khó khăn và thuận lợi, cơ hội và thách thức, đặc biệt trước bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch sản xuất năm 2020 theo định hướng từng bước phục hồi hậu quả sau dịch COVID-19 và tái phát triển ổn định, bền vững.
Trong số các nội dung dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thông qua, đáng chú ý nhất là kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của Vietnam Airlines trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp cả trong nước và quốc tế.
Theo đó, Vietnam Airlines cho biết là vẫn sẽ tạm dừng khai thác các đường bay đi châu Âu và Australia trong cả năm 2020; bắt đầu khai thác trở lại các đường bay trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ tháng 10 với tần suất hạn chế từ 3 – 5 chuyến/tuần và bắt đầu khai thác ổn định từ tháng 12. Tại thị trường nội địa, Vietnam Airlines sẽ điều tiết hợp lý mức tải cung ứng và giá bán nhằm bảo đảm hiệu quả khai thác tổng mạng và tiến hành khai thác 13 đường bay mới từ Hải Phòng, Vinh, Cần Thơ nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Mặc dù vậy, trong năm 2020, sản lượng vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines cũng chỉ đạt 14,5 triệu lượt, giảm 36,8% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 2 triệu lượt, khách quốc nội đạt 12,3 triệu lượt. Sự sụt giảm này chủ yếu là do tác động của dịch COVID – 19 làm giảm nhu cầu đi lại của người dân, ảnh hưởng lớn đến doanh thu vận tải hàng không.
Với kết quả kinh doanh nói trên, Vietnam Airlines dự kiến đạt doanh thu hợp nhất năm 2020 là 40.586 tỷ đồng, bằng 40,5% so với kết quả năm 2019, trong đó công ty mẹ đạt 32.535 tỷ đồng.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam dự kiến trình kế hoạch lỗ trước thuế hợp nhất 15.177 tỷ đồng và lỗ ròng công ty mẹ là 14.487 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh này chưa bao gồm doanh thu 28 triệu USD – chi phí của hoạt động bán 2 tàu Airbus 321 giao tháng 6 không thành công và 6 tàu Airbus 321 dự kiến bán cuối năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh.