Theo đó, doanh thu thuần năm 2019 đạt 98.228 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.537 tỷ đồng đều tăng nhẹ. Tổng tài sản của công ty tại thời điểm 31/12/2019 đạt mức 76.455 tỷ đồng.
Tuy nhiên hãng hàng không này đã nhấn mạnh tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động kinh doanh. Ban giám đốc Vietnam Airlines đánh giá ảnh hưởng tiềm tàng của COVID - 19 đối với tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh, kèm theo các kế hoạch thích hợp trong ngắn hạn và dài hạn để kiểm soát sự không chắc chắn.
Theo đó, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp.
Vietnam Airlines chịu tác động lớn từ COVID-19. (Ảnh minh họa)
Vietnam Airlines cũng cho biết trong năm 2020, Thủ tướng chấp nhận phương án tái cơ cấu khoản đầu tư vào hãng hàng không Cambodia Angkor Air và hiện Tổng công ty đang triển khai việc thoái vốn.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, Vietnam Airlines ký các hợp đồng bán 5 máy bay A321 với tổng giá trị thanh lý khoảng 37 triệu USD. Các máy bay này đang thực hiện bàn giao và dự kiến hoàn thành trước tháng 6/2020.
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi Chính phủ, Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ so với cùng kỳ và lỗ 2.383 tỷ đồng.
Trước những áp lực về tài chính nêu trên, Vietnam Airlines cho biết nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho doanh nghiệp và các công ty con vay, ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỷ đồng.
"Để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, Vietnam Airlines cần Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỉ đồng và phải bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020”, báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn nêu kiến nghị.