Trong bối cảnh kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải hành khách còn gặp nhiều “vướng mắc” từ phía địa phương, toạ đàm hy vọng có thể làm rõ các điều kiện cần và đủ cho sự trở lại của hàng không, đồng thời nêu bật góp ý giúp cơ quan quản lý, chính quyền địa phương sớm tìm ra giải pháp vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa từng bước phục hồi kinh tế.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ, kế hoạch mở lại đường bay nội địa được dựa trên kế hoạch vận tải của Bộ Giao thông Vận tải và đến nay đã nhận được được ý kiến phản hồi từ 19/21 tỉnh, thành phố.
“Dựa vào những kết quả tích cực trong việc phòng, chống dịch bệnh ở nhiều địa phương, việc xúc tiến nối lại hàng không nội địa trong thời điểm này là hoàn toàn có căn cứ” – ông Cường nhấn mạnh: “Đây được xem là bước thử quan trọng để chúng ta đánh giá lại năng lực phòng chống dịch, cũng như năng lực chỉ đạo điều hành của các địa phương đối với dịch bệnh và sẵn sàng phục hồi kinh tế”.
Đồng tình với ý kiến trên, đa số khách mời đều cho rằng đây là thời điểm phù hợp để mở lại các đường bay nội địa thậm chí việc khôi phục vận tải hàng không sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát số lượng, tình trạng của người dân di chuyển đến và đi tại các tỉnh, thành phố.
PGS TS Trần Đắc Phu Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nhận định: “Chúng ta cần có quy định để làm sao vừa khởi động lại hàng không nhưng vẫn kiểm soát được dịch bệnh. Chính vì vậy nên tập trung kiểm soát việc cách ly, tiêm chủng, nguy cơ vùng chứ không phải kiểm soát hành chính. Khi nào tỷ lệ toàn quốc tiêm chủng cao thì có thể bỏ các hàng rào kỹ thuật phòng chống dịch”.
Tin tưởng về tiềm lực của ngành hàng không có thể tạo ra một hành lang xanh, những chuyến bay xanh an toàn cho khách hàng, Ông Nguyễn Bác Toán, Giám đốc Thương mại Vietjet chia sẻ: “Chính phủ và các cơ quan quản lý cần làm việc và thống nhất với lãnh đạo các địa phương về việc mở lại các đường bay, quy trình tiếp nhận người dân, hướng đến mục tiêu đưa các tỉnh, thành phố trên cả nước trở thành những điểm đến thuận tiện, an toàn và thân thiện. Từ đó mạnh dạn mở cửa cũng như đảm bảo việc di chuyển đi lại được diễn ra một cách hiệu quả, an toàn, không để tình trạng "ngăn sông cấm chợ" kéo dài ảnh hưởng tới nền kinh tế, đời sống của người dân”.
Đại diện Vietjet còn đề xuất: “Khi tiêm chủng chưa đầy đủ cho tất cả các địa phương thì tiêu chí xét nghiệm là giải pháp rất tốt, chúng ta cần tập trung làm rõ và thống nhất quy định xét nghiệm, tiêu chí an toàn hàng không. Như ở Mỹ hay Châu Âu, khi tỉ lệ tiêm chủng ở các địa phương chưa đồng đều, họ quy định hành khách cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Một điểm nữa là Vietjet đề nghị không áp dụng giá sàn. Để có thể có những tấm vé chi phí thấp cho những người dân hồi hương hoặc quay trở lại các nhà máy xí nghiệp hỗ trợ sản xuất phục hồi”.
Giải thích thêm về an toàn hàng không, ông Võ Huy Cường cho biết theo thống kê của ICAO đến tháng 8/2021, ngành hàng không ghi nhận có hơn 1 tỷ lượt khách quốc tế di chuyển nhưng chỉ có 41 hành khách được xác định có lây nhiễm chéo. “Thời gian qua Vietjet, Vietnam Airlines… tổ chức bay vào vùng dịch đưa công dân về mà không ai bị lây nhiễm. Đây chính là sự khẳng định an toàn trong vận tải hàng không”, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Cường, đại diện ACV và các hãng hàng không khẳng định việc đi lại bằng đường hàng không là an toàn và kiểm soát dịch bệnh tốt nhất trong bối cảnh đại dịch COVID-19. “Trong thời gian dịch bệnh phức tạp, chúng tôi vẫn tham gia đưa công dân ở nước ngoài trở về nên đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch. Tính đến thời điểm này, tất cả nhân viên của Vietjet đều hoàn thành tiêm chủng”, ông Nguyễn Bắc Toán – Giám Đốc Thương mại Vietjet tự tin chia sẻ.
Có thể nói, một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế chính là sự phục hồi của ngành vận tải, đặc biệt là hàng không, một loại hình vận tải được cho là an toàn và luôn đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt trong phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo chuyển đổi từ trạng thái mục tiêu không có COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể mong chờ vào ngày “cởi trói” cho vận tải hàng không sẽ không còn xa.