Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Việt Nam và khả năng làm kinh ngạc thế giới

(VTC News) -

Trên con đường đưa đất nước đi đến phồn vinh vào năm 2045, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cho thấy khả năng chống chọi và sức mạnh mãnh liệt của Việt Nam.

Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những tổn thất kinh tế chưa từng có cho tất cả các nước trong năm 2020. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế xuất bản tháng 10 vừa qua của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, bức tranh tăng trưởng âm bao trùm hầu khắp các quốc gia, và nền kinh tế toàn cầu dự kiến suy giảm 4,4%. Báo cáo này, tuy nhiên cũng khá lạc quan về khả năng kiểm soát đại dịch COVID-19, dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi và tăng trưởng 5,2% trong năm 2021.

Trong cục diện biến động nêu trên, Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng toàn cầu về cả sức chống chịu của nền kinh tế trong đại dịch và khả năng phục hồi trong năm 2021. Báo cáo cập nhật vùng Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới  xuất bản trong tháng 10 vừa qua dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm 2020 và 6,8% trong năm 2021.

Để hiểu rõ thêm triển vọng và thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021, bài viết này nhằm làm rõ thêm ba đặc trưng có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Đó là, sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong đại dịch COVID-19, bức tranh kinh tế toàn cầu sau đại dịch và những nỗ lực cải cách được kỳ vọng sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự kiến tổ chức vào quý 1 năm 2021.

Sức chống chịu

vu-minh-khuong-4-2212183.jpg

Đại dịch COVID-19 là phép thử khắc nghiệt về sức chống chịu của nền kinh tế mỗi nước.

PGS-TS Vũ Minh Khương - ĐHQG Singapore.

Là một nền kinh tế có độ mở rất cao, Việt Nam chịu tác động nặng nề của các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 nghiêm ngặt ở trong nước và quốc tế được ban hành từ giữa tháng 3 năm 2020. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam ở mức xấp xỉ 1,5 triệu người/tháng trong năm 2019 đã giảm hơn 99% kể từ tháng 4 năm 2020. Tăng trưởng kinh tế quí II năm 2020 chỉ đạt 0,36%, mức thấp nhất từ trước tới nay trong thời kỳ đổi mới.

Thế nhưng, chính trong tình thế khắc nghiệt này, Việt Nam đã khẳng định được khả năng chống chịu hiếm có của mình. Nhờ kiểm soát dịch tốt, sự năng động cao của doanh nghiệp, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu ít bị tổn thương vì đại dịch, hoạt động kinh tế đã mau chóng ổn định và thích ứng với tình thế “bình thường mới”.

10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vượt 200 tỷ USD và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số sản phẩm có mức tăng cao như máy móc, dụng cụ (+42%), máy tính và hàng điện tử (+24%), gạo (+8%).

Cũng trong 10 tháng, sản xuất của khu vực chế tạo tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó, có một số ngành tăng cao như dược phẩm (+31,2%), điện tử (+9,6%), và đồ nội thất (+6,5%). Sát cánh với khu vực doanh nghiệp, Chính phủ cũng thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công. Kết quả, đầu tư từ ngân sách nhà nước tăng trên 34% so cùng kỳ năm trước, trong đó TP. Hồ Chí Minh, đầu tầu của nền kinh tế, đạt mức tăng xấp xỉ 75%.

Cơ hội và thách thức

Với kỳ vọng đại dịch sẽ được kiểm soát trong năm 2021 nhờ có vắc xin COVID-19, các tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế toàn cầu có khả năng phục hồi khá mạnh mẽ. Theo báo cáo nêu trên của IMF, tăng trưởng GDP của các nền kinh tế lớn đều phục hồi mạnh, từ mức suy thoái sâu năm 2020 sang mức tăng trưởng dương khá cao năm 2021 (Mỹ: từ -4,3% lên +3,1%; khu vực đồng Euro: từ -8,3% lên +5,2%; Nhật Bản: từ -5,3% lên +2,3%).

Xu thế phục hồi này còn mạnh hơn với Trung Quốc (từ 1,9% năm 2020 lên 8,2% năm 2021). Với các hiệp định thương mại tự do EVFTA, CPTPP và RCEP, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong hợp tác thương mại với các đối tác lớn này. 

Bên cạnh đó, xu thế tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ có thể diễn ra mạnh mẽ hơn. Trong đó, các công ty đa quốc gia tiếp tục dịch chuyển đầu tư và sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó, Việt Nam là một điểm chọn hàng đầu  

Như vậy, bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2021 dường như khá thuận lợi cho Việt Nam về cả tăng trưởng thị trường và nguồn đầu tư FDI.

Tuy nhiên, có ba thách thức lớn mà Việt Nam cần đặc biệt lưu ý. Thứ nhất, rủi ro đại dịch COVID-19 còn tiếp tục trong năm 2021 là không nhỏ. Trong kịch bản xấu này, báo cáo nêu trên của Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ thấp hơn dự kiến: 1,5% cho năm 2020 và 4,5% cho năm 2021.

Thứ hai, xu thế tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu không nhất thiết mang lại đầu tư lớn cho Việt Nam, nếu Việt Nam không có cải cách đột phá. Thặng dư thương mại quá lớn với Mỹ (56 tỷ USD năm 2019) và EU (23 tỷ) cùng với chi phí lao động tăng nhanh và điều kiện hạ tầng còn nhiều hạn chế là những rào cản lớn cho nỗ lực thu hút đầu tư mới của Việt Nam. Bên cạnh đó, Ấn Độ và Indonesia cũng đang triển khai những nỗ lực mạnh mẽ thu hút các nguồn đầu tư chuyển dịch này.

Thứ ba, tỷ trọng giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu của Việt Nam còn rất thấp. Vì vậy, cho dù bối cảnh thuận lợi thế nào, nếu không chuyển mạnh về chất, Việt Nam khó đạt mức tăng trưởng cao (thường trên 8%) mà các nền kinh tế thần kỳ Đông Á đã đạt được trong giai đoạn cất cánh của họ.

Nội lực của nền kinh tế Việt Nam ngày càng được củng cố. (Ảnh: Việt Tú)

Những nỗ lực cải cách

Kinh nghiệm thành công của Đại hội Đảng XII năm 2016 cho thấy, nỗ lực cải cách của một Chính phủ kiến tạo đem lại những đổi thay chiến lược. Nó không chỉ giúp tăng tốc nhịp độ tăng trưởng từ mức 5,9% giai đoạn 2011-2015 lên mức 6,8% giai đoạn 2016-2019 mà còn giúp nền kinh tế nước ta vững vàng trong năm 2020 khi đại dịch COVID-19 tàn phá hầu khắp các nước.

Với đà cải cách đã được đẩy mạnh trong năm năm qua, Đại hội Đảng lần thứ XIII dự kiến sẽ thông qua những mục tiêu phát triển rất lớn: đưa đất nước từ mức thu nhập bình quân đầu người trung bình thấp lên mức thu nhập trung bình vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045 khi nước ta kỷ niệm 100 năm Độc lập. Với những mục tiêu đầy khát vọng này, Việt Nam được kỳ vọng là sẽ có những cải cách mạnh mẽ mới với sức đột phá cao sau Đại hội Đảng XIII.

Để tạo nên những thành công vượt bậc, các cải cách này cần đặc biệt chú trọng về chất lượng tăng trưởng. Trong đó, năm nội dung có tác động qua lại chặt chẽ với nhau sau cần được coi là trọng tâm đột phá.

Thứ nhất, là đổi mới sáng tạo và nỗ lực tiếp thu công nghệ.

Thứ hai, là nắm bắt cuộc cách mạng số để không chỉ mạnh dạn đầu tư vào ứng dụng công nghệ số mà còn tái tạo mô hình kinh doanh cho phù hợp với thời đại mới, trong đó, các nền tảng gắn kết cộng hưởng cần trở thành động lực cốt lõi trong kiến tạo giá trị.

Thứ ba, là đầu tư mạnh mẽ vào chuyển dịch xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Thứ tư, là không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng và năng suất của người lao động.

Thứ năm, là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các điểm nút chiến lược trong hệ thống logistics quốc gia và các thành phố đầu tầu.

Thay lời kết

Dù còn đang đứng trước muôn vàn thách thức trong công cuộc phát triển, Việt Nam đang từng bước khẳng định ý chí vươn lên mạnh mẽ của mình. Đặc biệt, trong nỗ lực hội nhập toàn cầu và nắm bắt cuộc cách mạng số, Việt Nam đang từng bước vươn lên đứng vào hàng đầu trong dòng chảy thời đại.

Trên con đường đưa đất nước đi đến phồn vinh vào năm 2045, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cho thấy Việt Nam không chỉ có sức chống chịu cao trong khủng hoảng, mà còn trở nên mạnh mẽ và quả cảm hơn sau thách thức khắc nghiệt này.

Những bước tiến của đất nước trong năm 2021 sẽ là chỉ báo đặc sắc, khởi đầu về sức vươn lên và khả năng làm kinh ngạc thế giới của dân tộc Việt Nam trong các thập kỷ tới.

PGS-TS Vũ Minh Khương

Tin mới