Phát biểu tại Hội nghị cấp cao trực tuyến các nước thành viên ASEAN 3+ và Lễ khởi động Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam nằm trong chương trình Hội nghị quốc tế các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UN Environment) tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết có thể khẳng định rằng chất thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đang được xem là vấn đề cấp bách của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu.
"Đại dịch COVID-19 khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Điều này đòi hỏi tất cả chúng ta phải có cách tiếp cận mang tính hệ thống và có tính toàn cầu theo chuỗi giá trị của nhựa để giải quyết triệt để vấn đề nhựa, bắt đầu từ nguồn trên đất liền ra đến biển. Cần có sự tham gia của tất cả các khu vực công, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, các tổ chức của người dân để cùng làm việc và phối hợp các nỗ lực để giải quyết thách thức này", Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu.
Cần nâng cao nhận thức của mọi người dân về những ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm nhựa đối với môi trường sống và sức khỏe của con người. Từ đó sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong thói quen tiêu dùng của người dân, đặc biệt đối với phụ nữ, qua đó khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, cũng như việc thu gom, phân loại, tái chế và sáng chế các sản phẩm nhựa có thể sử dụng cho nhiều mục đích.
"Hệ thống chính sách và pháp luật cần được tăng cường để tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, hiệu quả, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, cũng như những biện pháp khuyến khích việc sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển để thực hiện các chương trình quản lý và phòng chống chất thải nhựa mang lại hiệu quả tích cực”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu tại hội nghị. ( Ảnh : Thu Thủy).
Bà Caitlin Wiesen Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) đã chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì những nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa trong thời gian gần dây. Đặc biệt, việc Chính phủ Việt Nam đã thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đánh dấu một mốc quan trọng trong khung chính sách quốc gia và thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam.
UNDP Việt Nam cũng đánh giá cao những sáng kiến của các chính quyền tỉnh và các tổ chức xã hội dân sự. UNDP Việt Nam tin vào cách tiếp cận hệ thống và tổng hợp nhằm ứng phó ô nhiễm nhựa.
“Đây là lý do tại sao tại UNDP Việt Nam, chúng tôi tích cực hỗ trợ phát triển chính sách và hoạt động ở cấp cơ sở với các đối tác như Hội liên hiệp Phụ nữ, nhóm lao động thu gom rác thải phi chính thức và nhóm thanh niên, để đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”. UNDP Việt Nam cũng liên kết các ngành công nghiệp và doanh nghiệp để chuyển giao sang mô hình kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ họ nhân rộng các giải pháp sáng tạo”, bà Caitlin Wiesen nói.
Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (An Phát Bioplastics), doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu bao bì đã và đang chuyển hướng mục tiêu chiến lược, đa dạng hóa sản phẩm, tập trung phát triển nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio và dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn AnEco thân thiện với môi trường để sẵn sàng đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh tại Việt Nam và thế giới đã góp tiếng nói từ khối doanh nghiệp tư nhân trong việc sẵn sàng vào cuộc, phối hợp cùng với các bên trong nỗ lực chống ô nhiễm nhựa.
Đại diện lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và đại diện lãnh đạo Chính phủ một số nước ASEAN+3 (Nhật bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Brunei Darussalam, Campuchia) đã chia sẻ về những nguy cơ ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương cũng như tầm quan trọng của những nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế trên cơ sở tiếp cận có hệ thống đối với các nguồn ô nhiễm khác nhau, cả trên đất liền và từ biển.
Trên cơ sở đó nhằm thúc đẩy các giải pháp thông qua cải cách chính sách và tài khóa và đề xuất những định hướng, tầm nhìn của chính phủ các nước về nỗ lực chung ở cấp độ quốc tế, bao gồm thông qua Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc và Nhóm chuyên gia mở Ad-hoc về rác thải biển và vi nhựa cũng như thông qua việc thực hiện các cam kết như Tầm nhìn Xanh G20 Osaka, Tuyên bố Bangkok về chống rác thải biển ở khu vực ASEAN, Khung ASEAN về rác thải biển và Kế hoạch hành động khu vực COBSEA về rác thải đại dương.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh việc cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các lĩnh vực khác nhau và ở các cấp độ khác nhau, các khu vực kinh tế-xã hội khác nhau (bao gồm các khu vực công, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, các tổ chức của người dân) để cùng thực hiện các hành động cụ thể nhằm giải quyết thách thức ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Dự án “Giảm thiểu Rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” cũng được giới thiệu như một trong những dự án quan trọng trong lĩnh vực giảm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Được triển khai tại 9 tỉnh/thành và khu vực ven biển, Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.