Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, quyết tâm giảm ô nhiễm nhựa đại dương

(VTC News) -

Việt Nam đang tích cực áp dụng những giải pháp dài hạn và tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế để đối phó với vấn nạn ô nhiễm nhựa đại dương.

Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm đại dương, đặc biệt là rác thải nhựa, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) đã nỗ lực cùng các cơ quan chức năng của các bộ, ban, ngành liên quan cùng chính quyền địa phương triển khai các giải pháp nhằm quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. 

Chia sẻ với VTC News, ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định những bước đi đột phá về tầm nhìn, hợp tác trong thời gian tới sẽ giúp Việt Nam từng bước tiến gần tới mục tiêu trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ Trưởng Vụ Hợp Tác Quốc tế, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam. (Ảnh: Báo Tài Nguyên và Môi trường).

- Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của ô nhiễm nhựa đại dương, với lượng lớn rác thải nhựa chưa được xử lý và ngư cụ đổ ra biển mỗi năm. Giải pháp cho thực trạng này là gì?

Quyết định số 1746/QĐTTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 đặt ra mục tiêu thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Cụ thể hơn, đến năm 2030, hướng tới giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 1855/QĐ-BTNMT ngày 21/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg và sau này được tổng hợp vào Quyết định số 2395/QĐ-BTNMT ngày 28/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Rác thải nhựa khiến nhiều vùng biển Việt Nam ô nhiễm trầm trọng. 

- Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chuẩn bị thế nào trong chức năng và nhiệm vụ của mình để nước ta hướng tới chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương?

Ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Đề án Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nguồn lực cần thiết và thiết lập cơ chế điều phối các Bộ, ngành và địa phương liên quan trong quá trình Việt Nam đàm phán, tham gia thoả thuận; từ đó bảo đảm quyền và lợi ích cao nhất của quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương, và đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng thỏa thuận. 

Đề án dựa trên quan điểm thực hiện chủ trương, đường lối và định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; tiên phong trong khu vực trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả. 

Để đạt được mục tiêu bảo đảm đầy đủ điều kiện về nguồn lực, thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia đàm phán, bảo đảm quyền, lợi ích và nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương, cần phải thực hiện 6 nhiệm vụ chính, bao gồm xây dựng năng lực chuẩn bị đàm phán, thu thập thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu, bố trí nguồn lực công tác chuẩn bị đàm phán, thiết lập cơ chế điều phối, huy động hỗ trợ trong nước và quốc tế và tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia.

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện Đề án; xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương làm cơ sở xây dựng lập trường của Việt Nam trong đàm phán Thỏa thuận. 

Tổng cục Biển và Hải đảo tham gia Hội nghị Bộ trưởng về Ô nhiễm nhựa và Rác thải đại dương. 

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp, Ngoại giao và các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, đánh giá các quy định pháp luật trong và ngoài nước về quản lý chất thải nhựa và rác thải đại dương để chuẩn bị cho việc xây dựng Thỏa thuận.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao là cơ quan chủ trì tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch triển khai Quyết định số 1407/QĐ-TTg. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, thảo luận với các chuyên gia, các tổ chức quốc tế và các cơ quan liên quan để thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó có vấn đề rác thải nhựa đại dương. 

Chúng tôi cần tập trung trí tuệ, nguồn lực để xây dựng tốt kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW (đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030). Đồng thời, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để triển khai xây dựng kế hoạch đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Nhiều sáng kiến tái chế rác thải nhựa được phát triển bởi thế hệ trẻ. 

- Hoạt động hợp tác quốc tế về kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam hiện đang được tiến hành thế nào?

Nghị quyết số 36-NQ/TW đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg về Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; Quyết định số 175/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 647/QĐ/TTg phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, trong đó đều có nội dung về phát triển hợp tác quốc tế về quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa, rác thải nhựa đại dương. 

Với mục tiêu hướng tới các hành động cụ thể, Quyết định số 1746/QĐ-TTg đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đối với nội dung hợp tác quốc tế, Quyết định nêu rõ:

Tham gia có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế giải quyết rác thải nhựa đại dương, đặc biệt với các quốc gia ASEAN và các nước khu vực biển Đông Á; đẩy mạnh nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, trên thế giới về rác thải nhựa đại dương.

Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế về biển; chủ động ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế; phối hợp trong việc kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương.

Huy động nguồn lực quốc tế trong hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư kiểm soát rác thải nhựa đại dương; tiếp nhận các mô hình quản lý, công nghệ sản xuất các sản phẩm thay thế, tái chế chất thải nhựa và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa đại dương trên cơ sở có điều chỉnh, thích ứng với điều kiện thực tiễn của Việt Nam…

Trong thời gian qua, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng thế giới World Bank, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), … để thực hiện các dự án nhằm cải thiện năng lực xử lý rác thải, nâng cao ý thức cộng đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hợp tác với WWF.

Chúng tôi đã và đang hỗ trợ Bộ Tài Nguyên và Môi trường để chuẩn bị, soạn thảo và tham vấn các bên liên quan về nội dung Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương, quán triệt tinh thần “Việt Nam - thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc” và tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Quan điểm chung của phía Việt Nam trong quá trình thảo luận là các thách thức của ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề toàn cầu nên đòi hỏi cách tiếp cận và giải pháp ở quy mô toàn cầu, nhưng phải phù hợp với các ưu tiên của khu vực ASEAN và Việt Nam.

Chúng ta ủng hộ và sẵn sàng tham gia thảo luận để cùng xây dựng về một Thỏa thuận về ô nhiễm nhựa đại dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, vì một đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Hồng Nam

Tin mới