Chiều 5/3, đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, đơn vị này sẽ chính thức triển khai cung cấp LNG (Liquefied Natural Gas – khí tự nhiên hóa lỏng) phục vụ sản xuất công nghiệp kể từ ngày 15/3.
Như vậy, PV GAS là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam chính thức phân phối LNG phục vụ sản xuất công nghiệp.
Kho LNG Thị Vải là kho chứa LNG đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam được PV GAS đặt tại Khu công nghiệp Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: B.L)
So với khí gas, nguồn khí LNG dồi dào hơn, số lần phải tiếp thêm nhiên liệu thấp hơn. Quan trọng nhất, LNG rất thân thiện với môi trường. Loại khí này đã được sử dụng phổ biến tại nhiều nước phát triển trên thế giới như: Anh, Mỹ, Nhật Bản…
Trong tương lai, LNG hứa hẹn sẽ có sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều các quốc gia trong đó có Việt Nam. LNG là nguồn năng lượng quan trọng của tương lai, nguồn năng lượng chính của nền công nghiệp sạch.
LNG được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực công nghiệp như: các nhà máy điện, các khu công nghiệp - khu đô thị. Bên cạnh đó, LNG cũng được sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành vận tải như: ô tô, tàu biển, tàu hỏa, xe vận tải hạng nặng…
Ngoài ra, LNG cũng được sử dụng làm nguồn năng lượng sạch cho các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo…
Tuy nhiên, để khai thác và sử dụng LNG, các quốc gia phải bỏ ra chi phí ban đầu khá lớn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, máy móc, phương tiện vận chuyển… Điều này khiến cho nhiều nước phát triển LNG một cách khá dè dặt.
Trao đổi với VTC News, ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc PV GAS cho biết, LNG có các ưu điểm vượt trội về hiệu quả sử dụng năng lượng, độ thân thiện với môi trường, thuận tiện trong quá trình vận chuyển.
Theo ông Phong, việc phân phối LNG bằng xe bồn, tàu và tàu hỏa sẽ đảm bảo chuỗi cung ứng năng lượng liên tục, hiệu quả, hiệu suất cao cho các đối tác của doanh nghiệp này.
“PV GAS đã hoàn thành dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải từ tháng 7/2023 và là đơn vị duy nhất đến thời điểm hiện tại được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG tại Việt Nam”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, trong thời gian tới, PV GAS sẽ khởi công giai đoạn 2 của Kho LNG Thị Vải với công suất nâng lên 3 triệu tấn/năm, dự kiến vận hành vào năm 2026. Công ty cũng triển khai dự án kho cảng trung tâm LNG Sơn Mỹ tại tỉnh Bình Thuận với tổng công suất 6 triệu tấn/năm và triển khai các dự án đầu tư kho cảng LNG trung tâm tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ông Phong chia sẻ, PV GAS cũng sẽ thiết lập thỏa thuận với các nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới để đảm bảo nguồn cung ổn định và giá cả cạnh tranh cho thị trường nội địa.
Năm 2023, PV GAS có doanh thu đạt 116.000 tỷ đồng, tương đương hơn 10% doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 14.400 tỷ đồng, bằng 177% kế hoạch, đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 6.200 tỷ đồng. Trong năm 2023, sản lượng kinh doanh LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) của PV GAS đạt gần 2,5 triệu tấn, tăng 20% so với năm 2022, đáp ứng 70% thị phần LPG cả nước.
Khí LNG được lấy từ đâu?
Các nhà khai khoáng sẽ khai thác khí thiên nhiên từ các mỏ ở biển khơi. Lượng khí này sẽ được dẫn vào đất liền và sử dụng công nghệ làm lạnh sâu ở nhiệt độ -162° Celsius (-260° Fahrenheit) bằng hệ thống xử lý khí chuyên biệt. Quá trình này sẽ tạo ra LNG. Thể tích LNG giảm 600 lần so với lúc ở trạng thái khí và sức chứa cao 2,4 lần so với CNG (khí tự nhiên nén). Điều này giúp phương tiện tồn chứa, vận chuyển LNG dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn.
LNG là loại khí có ít chất thải nhất sau khi đốt, đa phần là chất thải sạch. LNG được đánh giá là nguồn năng lượng thay thế cho hiện tại và tương lai trên toàn cầu.